ClockThứ Năm, 22/10/2015 14:05

Đến với khoa học từ niềm say mê

TTH - 15 năm gắn bó với nghề giáo và ngôi Trường THCS Điền Hòa (Phong Điền) cũng là 15 năm thầy giáo Nguyễn Văn Tám gắn bó với học sinh và những công trình khoa học có giá trị ứng dụng trong dạy học môn vật lý, công nghệ... Đã có 10 công trình của thầy tham gia Hội thi Thiết bị dạy học tự làm các cấp huyện, tỉnh luôn đạt giải cao.

Thầy Nguyễn Văn Tám giới thiệu tác dụng của rễ cây lục bình trong chữa vết gãy cho các loại cây trồng

Ông tâm sự: “Trong quá trình công tác, tôi luôn quan sát, nghiên cứu để làm sáng tỏ những thắc mắc nhằm thuyết minh rõ ràng bài giảng cũng như những trắc quan thực tế. Tôi mạnh dạn hướng dẫn cho học sinh cùng làm. Các công trình đã có định hướng khoa học, tôi khuyến khích các em tham gia các cuộc thi của cấp trên tổ chức. Năm 2014 và 2015, được sự phân công của nhà trường, tôi bắt tay vào hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học (NCKH), tham gia dự thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho thanh thiếu niên nhi đồng. Rất mừng là ngay trong đợt “ra quân” đầu tiên này, cả 5 đề tài của các em đều đạt giải cao ở huyện và 4/5 đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 2 đề tài được chọn dự thi quốc gia”.

Xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, thầy Nguyễn Văn Tám đam mê nghiên cứu, ước mơ trở thành nhà khoa học. Sống ở vùng đất có điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới không thuận tiện, thiếu sự hỗ trợ của cấp trên nên trong nghiên cứu thầy Tám gặp khá nhiều khó khăn. Không nản lòng, thầy vẫn âm thầm giữ cho mình ngọn lửa đam mê. Trước những thành công, thầy Tám luôn cho rằng đó là nhờ rất nhiều vào sự động viên tinh thần của một số phụ huynh và cả sự yêu mến, trân trọng của học sinh.
Không “khoanh vùng” trong NCKH theo chuyên môn, thầy Tám đã đem đến Hội thi sáng tạo Kỹ thuật mới đây một công trình có đề tài ở lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và bảo vệ môi trường, đó là “Nghiên cứu và ứng dụng rễ cây lục bình giúp cây trồng phục hồi khi gãy cành”. Là một nhà giáo sinh ra trong gia đình sống bằng nghề nông, gắn bó với nghề trồng trọt, thầy Tám am hiểu về môi trường sống của các loại cây trồng và cũng trồng nhiều cây cảnh, trong đó có loài hoa truyền thống của Thừa Thiên Huế là hoa mai. Theo thầy, hoa mai có giá trị kinh tế rất cao. Từ thực tế, thầy cũng quan sát thấy người dân quê mình luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào để băng bó cây gãy cành mỗi mùa mưa bão, hoặc khi uốn ép cây. Trong một phát hiện tình cờ vào năm 2001, nhà có nhiều cây mai bị gãy cành do ảnh hưởng của bão, thầy thử dùng hai loại rễ cây lục bình và bèo tai. Không ngờ rễ cây lục bình đem lại kết quả cao trong việc “trị thương” cho cây, tốt hơn nhiều so với dùng các chất kích thích, thời gian liền sẹo chỉ mất 15 - 18 ngày. Từ kinh nghiệm bản thân, thầy hướng dẫn không ít bà con nông dân về cách làm đạt hiệu quả cao, được bà con chia sẻ như một bí quyết trong trồng mai.
Thầy Tám chia sẻ, để trị thương cây trồng khi bị gãy cành, dùng rễ cây lục bình tươi đắp phủ một lớp lên vị trí gãy của cây với diện tích phù hợp, độ dài bao phủ rễ cây lục bình lớn hơn độ dài gãy của cây khoảng từ 2 đến 4cm. Sau đó, dùng các đoạn mảnh vải nhỏ quấn kín, buộc chặt. Trường hợp độ dài cành cây bị gãy lớn, có thể phủ lên 1 đến 2 lớp rễ cây lục bình tươi, dùng hai thanh tre mềm nẹp lại, rồi dùng vải quấn quanh nhiều vòng và buộc chặt. Thời gian thực hiện khoảng 7 đến 15 ngày, sau đó tháo vải ra. Lúc này, các vết gãy không còn, không để lại sẹo. Ngoài việc ghép cành, rễ cây lục bình còn có thể dùng làm phân bón cho một một số loại cây trồng khác, như hoa lan, hoa cúc và các loại rau như cải, xà lách,… phát triển tốt”. Đây là giải pháp hoàn toàn mới, có thể áp dụng trên một số loại cây, như mai, lộc vừng, mãng cầu… So với khi dùng các hợp chất hóa học bán trên thị trường, thì giải pháp này có tính sáng tạo hơn, giúp cành hoặc thân cây nhanh chóng liền sẹo không để lại dấu vết gãy, da của cây như bình thường. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo chất lượng về giá trị sản phẩm. Dễ sản xuất, hiệu suất cao trong quá trình vận dụng thực tiễn, thời gian ngắn và có giá trị bảo vệ môi trường. Đây chính là nền tảng để công trình của thầy lọt vào giải của Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh và được BGK đánh giá là một công trình mang giá trị thực tiễn cao
Với nhiều thành tích đáng trân trọng trong NCKH, thầy giáo Nguyễn Văn Tám không chỉ là người hướng dẫn những bước đi đầu tiên vào khoa học cho học sinh ở Trường THCS Điền Hòa mà còn được một số em học sinh đang học tại một số trường THPT ở trong và ngoài tỉnh nhờ tư vấn hướng dẫn NCKH. Thầy còn thành lập “Câu lạc bộ sáng tạo khoa học Anhxtanh” nhằm thu hút thanh thiếu niên ở địa phương và là thành viên Câu lạc bộ sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế. Nhưng cái được nhất mà thầy Tám có được còn là sự yêu mến của học trò, quý trọng của phụ huynh, những người đã cùng thầy đi trên con đường NCKH còn nhiều khó khăn ở vùng quê nghèo bên phá Tam Giang.
Bài, ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1 Áp lực từ trường học
Return to top