Chắp vá
Các phòng học của Trường mầm non Phước Vĩnh hiện được tận dụng từ những phòng khám, phòng điều trị bệnh nhân, phòng làm việc của Bệnh viện đa khoa Trường An cũ. Dù diện tích toàn khuôn viên khá lớn, khoảng 3.700m2, song các phòng làm việc, phòng bệnh nhân cũ, vốn nhỏ hẹp, chật chội nên khi sử dụng vào mục đích học tập cho các cháu mầm non khó đáp ứng nhu cầu.
|
Diện tích cho các cháu mầm non 5 tuổi ở Trường mầm non Phước Vĩnh chưa đạt chỉ tiêu
|
3 phòng học cho các cháu lớp mẫu giáo 5 tuổi có diện tích trung bình khoảng hơn 30m2, song lớp nào cũng từ 30-36 cháu. Bình quân diện tích sử dụng chung cho mỗi cháu chưa tới 1,2m2, trong khi quy định tối thiểu phải đạt là 1,5m2/cháu. Ngay cả phòng làm việc của giáo viên, nhân viên Trường mầm non Phước Vĩnh cũng chật hẹp, chắp vá. Phòng hiệu trưởng chưa tới 10m2 và phải ghép đôi với hiệu phó. Một góc nhỏ còn lại dùng để tủ tài liệu. Lúc chúng tôi đến, các cô còn soạn một đống tài liệu dày cộm giữa nền nhà để kiểm tra, thống kê số liệu phục vụ đoàn thanh kiểm tra sắp tới.
“Không có phòng sinh hoạt chung và phòng chuyên môn nên các cô phải tận dùng nền nhà để làm việc. Phòng tôi còn có chỗ tiếp khách, chứ phòng nhân viên kế toán, thủ quỹ, y tế càng khó khăn hơn. 3 cô chung một phòng làm việc khoảng 6m2, lại gần nhà vệ sinh. Nhân viên kế toán, thủ quỹ thiếu chỗ làm việc đã đành, cả phòng y tế cũng không có. Nếu có cháu ốm đau thì không biết để cháu nằm ở đâu mà khám”, cô Đỗ Thị Na, Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Vĩnh tâm tư.
Trường mầm non Vĩnh Ninh hiện cũ kỹ và xuống cấp. Cũng như Phước Vĩnh, Trường mầm non Vĩnh Ninh cũng đang thiếu diện tích sinh hoạt chung cho các cháu mẫu giáo 5 tuổi. Song, khó khăn lớn hiện nay của trường chưa phải là vấn đề kinh phí mà là quỹ đất để đầu tư xây mới. Quỹ đất TP Huế dự định dành để xây mới Trường mầm non Vĩnh Ninh tại đường Nguyễn Huệ đang tranh chấp.
Trường mầm non An Cựu cũng nằm trong số này, song không phải thiếu đất do tranh chấp, mà địa phương hiện chưa tìm ra quỹ đất trống để xây mới các phòng học dành cho học sinh mầm non.
Ưu tiên cho bậc học này
Năm 2015, TP Huế sẽ ưu tiên kinh phí xây mới khoảng 22 phòng học, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 13 tỷ đồng, trong đó, An Hòa xây mới 4 phòng, Phước Vĩnh 4 phòng, Phú Thuận 4 phòng, Tây Lộc 4 phòng... Lãnh đạo TP Huế cho hay, năm 2015, tuy còn khó khăn về nguồn vốn bố trí, song ngân sách sẽ ưu tiên cấp đủ để các trường triển khai đầu tư xây dựng thêm phòng học để đạt chuẩn phổ cập quốc gia.
|
Trong buổi làm việc với TP Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2014, phương hướng nhiệm vụ 2015, khi nghe lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo báo cáo về tình hình phổ cập giáo dục trên địa bàn TP Huế, trong đó có nêu nguyên nhân khiến TP Huế chưa đạt phổ cập giáo dục mầm non quốc gia là do chỉ tiêu về diện tích sinh hoạt/trẻ chưa đạt chuẩn 1,5m2/trẻ. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, Huế đang xây dựng để trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực mang tầm quốc gia, nếu bậc học nhỏ chưa được phổ cập thì làm sao đạt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo của cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo TP Huế quan tâm đầu tư cho bậc học này để năm 2015 sẽ đạt chuẩn phổ cập quốc gia.
Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP Huế, bà Hồ Thị Ngọc Như cho hay, điều mà phòng đang trăn trở lo lắng cũng chính là vấn đề phổ cập quốc gia cho bậc học mầm non. Có nhiều tiêu chí để đạt phổ cập, gồm: tỷ lệ trẻ huy động ra lớp, trình độ giáo viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học, như bộ thiết bị dụng cụ sinh hoạt trong phòng, ngoài trời... thì tất cả đều đạt, riêng chỉ tiêu về diện tích/trẻ, Huế đang thiếu. “Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo nới chỉ tiêu này giảm còn 1,3m2/trẻ thì khả năng năm tới Huế sẽ được phổ cập”, cô Như nói về giải pháp.
Song, để đạt phổ cập quốc gia như cách nói của cô Hồ Thị Ngọc Như, không phải là được đầu tư xây dựng phòng học để đảm bảo diện tích sinh hoạt cho các cháu, mà là theo kiểu chắp vá, lấy số bình quân của các cơ sở, rồi tính chung cho cả phường. Điển hình cho cách tính này là ở Vỹ Dạ, hiện có 2 trường mầm non là Vỹ Dạ và Hương Lưu. Trường mầm non Hương Lưu đang được đầu tư xây mới 6 phòng học, mỗi phòng có diện tích khá rộng khoảng 70m2. Khi đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ đảm bảo tiêu chí về diện tích/trẻ. Song khó là ở Trường mầm non Vỹ Dạ. Hiện, trường chưa đáp ứng tiêu chí này và chủ trương đầu tư xây mới phòng học chưa có. Nếu lấy bình quân hai trường gộp lại, thì Vỹ Dạ đảm bảo tiêu chí về diện tích/trẻ, nhưng nếu tính cho từng cơ sở thì nơi thừa, nơi thiếu. Đối với các phường thiếu quỹ đất thì giải pháp cho vấn đề này càng khó hơn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Huế, dù khó khăn, TP vẫn quyết tâm đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non quốc gia vào năm tới. Và giải pháp tình thế cho các cơ sở thiếu quỹ đất để xây mới phòng học cho học sinh mầm non được lãnh đạo phòng nêu là tận dụng các cơ quan, nhà văn hóa... cũ, không sử dụng, tạm thời bố trí làm phòng học cho các cháu!