ClockThứ Năm, 28/03/2024 11:06

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

TTH - Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa thay thế hóa chất bảo vệ thực vật

 Màng phân hủy sinh học BioDF ứng dụng trong sử dụng làm màng bọc, bao bì các sản phẩm tiêu dùng

Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” là một phần trong dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) thực hiện. Theo ThS. Ngô Hữu Bình, chủ nhiệm dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF”, mục tiêu của dự án nhằm thay thế túi nilon khó phân hủy, tạo ra sản phẩm có khả năng phân hủy ngắn hơn, góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu mới mang tính an toàn cao. Ngoài ra, việc sử dụng màng phân hủy sinh học cũng sẽ thúc đẩy gia tăng nhận thức của người dân về vấn đề môi trường do rác thải nhựa gây ra, nhằm thay đổi một số hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu dự án trên địa bàn tỉnh, ước tính 1 người giảm 2kg rác thải nhựa nếu sử dụng màng phân hủy sinh học BioDF.

Ý tưởng của dự án là sử dụng nguyên liệu có sẵn và dễ dàng tìm kiếm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm gạo, bột mì, bột năng và rong biển. “Đối với gạo sẽ được xay nhuyễn cùng nước, sau đó được lọc qua ray, bỏ cặn dư thừa trên ray và lấy nước gạo. Rong biển sau khi được thu từ quá trình thực địa tại các vùng biển trong tỉnh sẽ được làm rửa sạch nhiều lần qua nước, và loại bỏ ốc, sò... bám vào rong biển. Sau đó, rong biển được phơi khô trong tủ sấy và được chiết xuất tạo thành bột khô. Bột mì và bột năng có thể mua được tại các cửa hàng tạp hóa, các siêu thị”, ThS. Ngô Hữu Bình chia sẻ.

Sau khi thu thập và sơ chế các nguyên liệu, nhóm dự án đã tiến hành trộn các nguyên liệu bột mì, bột năng, agar, gelatin, nước, và nước gạo theo tỷ lệ phù hợp. Hỗn hợp này sau đó được đưa ra khuôn và tiến hành sel màng. Tiếp đó tiến hành phơi màng sel trong vòng 1 ngày hoặc sấy ở nhiệt độ 50oC trong 20 giờ.

Với phương pháp trên, nhóm dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” đã sản xuất khoảng 200m2 màng phân hủy sinh học (tương đương với 1.428 tấm, kích thước 0,14m2/tấm). Nhóm dự án cũng gửi mẫu để tiến hành đánh giá các thành phần và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2).

“Các đặc điểm để đánh giá chất lượng của sản phẩm có thể kể đến như: Độ dày, độ trong suốt của màng; khả năng chịu tải có thể so sánh được với nhựa thông thường được sử dụng cho các mục đích khác nhau kể cả nhựa sử dụng một lần, khả năng chống mốc trong các điều kiện độ ẩm và nhiệt độ khác nhau”, ThS. Ngô Hữu Bình phân tích. Qua đánh giá, màng phân hủy sinh học BioDF có khả năng chịu lực tốt và độ bền cao, chịu được khối lượng vật lớn từ 3 đến 7kg; màng phân hủy sinh học có khả năng phân hủy trong môi trường tự nhiên, chủ yếu là bằng cách của vi khuẩn và enzyme, không gây ô nhiễm đến môi trường; nhiệt độ phân hủy tương đối thấp, giúp quá trình phân hủy diễn ra nhanh chóng khi bị bỏ đi.

Màng phân hủy sinh học BioDF đã được giới thiệu đến 25 cơ sở sản xuất và khách hàng tại một số hoạt động trưng bày sản phẩm như: Chương trình “Tiêu dùng xanh & mua  sắm xanh – Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì”, hội thảo “Đánh giá Kết quả thực hiện dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam năm 2023”, workshop sáng kiến của Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh vào tháng 12 năm 2023. Sản phẩm được đánh giá cao bởi tính thân thiện với môi trường, không màu, không mùi, không vị, tạo cảm giác thoải mái, sạch sẽ cho người sử dụng.

“Thời gian tới, nhóm dự án sẽ tiếp tục lắng nghe những phản hồi của doanh nghiệp, khách hàng để hoàn thiện màng sinh học BioDF, đồng thời tiếp tục giới thiệu sản phẩm này đến các doanh nghiệp có mong muốn phát triển bền vững, sử dụng màng sinh học thay vì bao bì nhựa”, ThS. Ngô Hữu Bình cho biết.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường

Ngày 30/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên dương điển hình trong hoạt động bảo vệ môi trường và Tổng kết Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản lý chất thải rắn, xử lý rác hữu cơ và giảm thiểu rác thải nhựa” giai đoạn 2023 – 2024. Dự án do Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Tổ chức WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) thực hiện. ​

Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường
Vì ngành du lịch xanh-sạch-sáng

Đó là mục tiêu hướng đến của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được trao đổi, chia sẻ tại hội nghị tổng kết “Thực hành giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch” do Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Dự án (DA) “Huế-Đô thị giảm nhựa ở miền Trung (gọi tắc là TVA, thuộc tổ chức WWF-Việt Nam) tổ chức vào chiều 6/8.

Vì ngành du lịch xanh-sạch-sáng

TIN MỚI

Return to top