Một khóa học trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tại Mỹ
Giáo dục giới tính cho học trò lớp 4
Cũng như bao gia đình Việt Nam khác, chúng tôi khá khó khăn khi tìm sự cởi mở trao đổi với con gái khi chúng đến tuổi khám phá bản thân của mình. Cho đến khi chúng tôi nhận được giấy mời của nhà trường dành riêng cho phụ huynh có con gái đang học lớp 4 đến tham dự buổi trao đổi cách bố mẹ nói chuyện về giáo dục giới tính và quá trình dậy thì với con gái mới lớn thì dường như những khúc mắc đã được gỡ bỏ.
Trong buổi thảo luận, ban giám hiệu nhà trường đưa ra nhiều phương pháp tiếp cận tuỳ thuộc vào tính cách, độ tuổi của con gái đặc biệt là những sai sót phổ biến của bố mẹ trong quá trình “vẽ đường cho hươu chạy”.
Trước thực tế các bạn học sinh nữ chưa có ý thức vệ sinh, giữ gìn và bảo vệ bộ phận sinh dục đúng cách cùng với việc phòng tránh khi bị người khác xâm hại cơ thể nên nhà trường giúp phụ huynh định hướng được việc nên bắt đầu dạy con như thế nào; cách giải quyết những vấn đề khó nói về giáo dục giới tính giữa bố mẹ và con trẻ; cách ứng xử phù hợp với giới tính của con; phòng chống việc quấy rối tình dục trẻ em trên mạng Internet...
Dĩ nhiên chúng tôi cũng phải chắt lọc để thích ứng với văn hoá phương Đông, bởi có vài sự khác biệt giữa hai nền văn hoá tạo nên sự ứng xử khác nhau. Ví dụ, nếu những ông bố bà mẹ ở Hoa Kỳ chủ động giải thích câu hỏi "Làm thế nào bố mẹ sinh ra con?” cho các con một cách rất thẳng thắn thì phụ huynh Việt Nam hiếm khi trả lời một cách chính xác và cặn kẽ cho con khi được hỏi tương tự.
Đồng thời, các phụ huynh được nhà trường trình chiếu một đoạn phim về sự biến đổi của phái nữ trong quá trình dậy thì dành riêng cho các học sinh nữ. Đoạn phim này sẽ được trình chiếu trên lớp cho các bạn nữ sau đó vài ngày để cùng thảo luận, vì vậy nếu phụ huynh nào không muốn cho con gái mình xem thì báo trước với giáo viên phụ trách để trường thực hiện sự cách ly. Đây cũng là cơ hội mà doanh nghiệp kinh doanh không thể đứng ngoài cuộc nên đương nhiên phần cuối sẽ là dịp quảng cáo của sản phẩm vệ sinh dành cho phái nữ với những phiếu mua hàng giảm giá, cẩm nang bạn gái, phiếu dùng thử sản phẩm…
Phòng chống xâm hại cho học sinh nữ
Ở Hoa Kỳ, rất nhiều học sinh nữ đều biết đến chương trình “The Rape Aggression Defense System” (R.A.D – Hệ thống phòng chống xâm hại tình dục là một chương trình về các chiến thuật tự vệ thực tế và kỹ thuật dành cho phụ nữ). Đây là chương trình toàn diện dành cho phụ nữ bắt đầu bằng việc nhận thức, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và tránh rủi ro. Tại các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều học sinh, sinh viên thì thường vào mỗi mùa xuân và mùa thu trong năm, Sở cảnh sát sẽ mở lớp học miễn phí cho các học sinh nữ trong vòng bốn buổi, mỗi buổi ba tiếng cả lý thuyết lẫn thực hành.
Khoá học được thực hiện như sau:
Giờ 1-3: Hướng dẫn sinh viên, học sinh tham gia thảo luận về các chiến lược giảm nguy cơ xâm hại hàng ngày. Học viên cũng sẽ thảo luận làm thế nào để có phương pháp phòng thủ cho riêng mình, hiểu các tư thế tấn công và phòng thủ, nhận ra các vị trí dễ tổn thương và cách sử dụng vũ khí cá nhân nếu cần thiết.
Giờ 4-6: Học sinh tham dự sẽ bắt đầu quá trình đào tạo. Các hệ thống dựa trên các kỹ năng vận động cơ bản đơn giản và được phát triển đến mức sẽ trở nên bản năng bằng cách lặp đi lặp lại. Học viên sẽ có cơ hội sử dụng những kỹ thuật này trong việc đào tạo tác động bằng thiết bị đặc biệt của các giảng viên.
Giờ 7-9: Học viên sẽ được giới thiệu về kỹ thuật phòng vệ và sẽ tiếp tục điều chỉnh các kỹ năng đã học trước đó với việc thực hành liên tục.
Giờ 10-12: Học sinh sẽ tham gia vào các kịch bản mô phỏng khi tiếp xúc với kẻ tấn công. Giáo viên hướng dẫn sẽ mặc các thiết bị bảo vệ được thiết kế đặc biệt cho việc đào tạo này. Phụ nữ có cơ hội sử dụng các kỹ năng của họ trong môi trường đào tạo an toàn được theo dõi bởi các cảnh sát đứng lớp.
Còn tại các trường đại học thì những buổi hội thảo, hội chợ để sinh viên trao đổi, thảo luận thẳng thắn những vấn đề tế nhị này luôn được thực hiện thường xuyên, tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu cách phòng chống xâm hại, các cách thức bảo vệ sinh viên trong khuôn viên trường, nhận biết các điểm “nóng” đã từng xảy ra tấn công tình dục trong trường. Có khi là việc ghi ra bảng các từ có liên quan đến bộ phận sinh dục nam- nữ, quan hệ tình dục và sẽ nhận được một thanh kẹo cho mỗi từ viết được để các sinh viên khác nắm (nhất là sinh viên quốc tế) và tránh khi giao tiếp giúp các bạn không bị nghi ngờ hay buộc tội là quấy rối tình dục bằng ngôn ngữ (một dạng nói chuyện làm người khác đỏ mặt khá phổ biến ở Việt Nam).
Trường còn tổ chức các buổi nói chuyện thực tế từ những phụ nữ từng bị quấy rối hay tấn công tình dục; hay các sinh viên cũng không quá ngạc nhiên khi có nhiều giáo sư trong trường học cũng đã tham gia vào các chương trình tuyên truyền phòng chống tấn công tình dục, bởi con cái của họ cũng từng là nạn nhân nên họ rất thấu hiểu và không giấu diếm điều này.
Trong khuôn viên các trường đại học và khu ký túc xá đều có các cột bấm khẩn cấp và loa điện đàm kết nối với cảnh sát được lắp đặt xung quanh, hệ thống cảnh báo qua tin nhắn điện thoại cho sinh viên biết khi có tấn công tình dục xảy ra trong trường học, bởi minh bạch hoá thông tin cũng là công cụ đánh giá kiểm định sự an toàn của trường đại học. Đồng thời, nếu sinh viên phải sinh con ngoài ý muốn do bị tấn công tình dục thì luôn có các trung tâm bảo trợ xã hội được Chính phủ cấp phép nhận con ngay tại bệnh viện để chăm sóc và tìm gia đình nhận nuôi.
Tất cả đều chung tay để tạo nên một môi trường học tập an toàn nhất cho học sinh, sinh viên và thực sự việc “phòng” được thực hiện nghiêm ngặt để tránh, hạn chế tối đa việc phải thực hiện “chống” hay xử lý hậu quả của tấn công tình dục – một tệ nạn đang nhức nhối trong xã hội hiện nay.
Bài, ảnh: Phan Quốc Vinh