ClockThứ Tư, 02/05/2018 14:49

Giữ hồn dân tộc qua tiếng mẹ

TTH - Có một chút tiếc nuối khi bọn trẻ ở miền sơn cước nói tiếng Việt khá sành sỏi nhưng lại ngập ngừng, ú ớ với tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Thế nên, khi nghe mở lớp dạy tiếng Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Cô cho các em, phụ huynh, học sinh và cả cô giáo đều phấn chấn.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Học trò Cơ Tu làm quen với các làn điệu của dân tộc mình

Không thành thạo chữ viết mẹ đẻ

Trong nhiều gia đình người dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Cô chỉ có người già nói được tiếng dân tộc mình, người trung niên nói ít hơn, còn thanh niên, trẻ em thì hầu như không hoặc vốn từ rất ít. Chị Hồ Thị Miên, dân tộc Pa Cô (Hồng Kim – A Lưới), kể lại câu chuyện trong sự tiếc nuối: “Hàng ngày, tôi nói chuyện với bố mẹ mình, nhưng vẫn chưa thể nói hết ý vì có những từ tiếng dân tộc tôi không biết. Các con tôi có thể ngồi nghe ông, bà nói chuyện, nhưng không giao tiếp lại được. Ông nội tôi  nói và viết tiếng Pa Cô rất giỏi, vì xưa ông đi theo cách mạng nên được cán bộ dạy chữ để tuyên truyền các tài liệu mật, dạy kiến thức về trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm...”

Sau giải phóng, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã xây dựng những bộ chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng bộ chữ cái Latinh, in thành những cuốn sách dạy tiếng dân tộc Pa Kô - Tà Ôi và Cơ Tu để sử dụng. Tuy nhiên, những cuốn sách nói trên chủ yếu phục vụ cho cán bộ là người Kinh trong quá trình tham gia công tác, giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số. Trong trường học, các em không được dạy tiếng nói cũng như chữ viết của dân tộc mình. Trong quá trình giao lưu văn hoá, hợp tác và phát triển kinh tế, đa số đồng bào các dân tộc đều sử dụng tiếng Việt phổ thông để giao tiếp. Vì vậy, nguy cơ chữ viết và tiếng bản ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số có thể bị mai một. Già làng Hồ Văn Hạnh ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, A Lưới bày tỏ: “Đồng bào muốn có trường, lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho người dân tộc; có sách học song ngữ tiếng Việt phổ thông và tiếng của đồng bào dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số”.

Dạy song ngữ

Mong muốn gìn giữ nền văn hóa dân tộc, nhiều gia đình của người Tà Ôi khuyến khích con cái sử dụng song ngữ Tà Ôi – Việt. Thế nên, trong bất kỳ hoàn cảnh giáo tiếp nào, họ vẫn giữ tỷ lệ 50% vốn từ vựng của dân tộc. Đời sống song ngữ của người Tà Ôi đang có một sức sống mới khi dự án “Thí điểm phát triển ngôn ngữ viết Cơ Tu và Pa Kô, Tà Ôi”  cho học sinh tiểu học ở một số trường của hai huyện Nam Đông và A Lưới do Sở Giáo dục và Đào tạo và tổ chức Faro As (Na Uy) phối hợp triển khai. Học sinh đồng bào dân tộc được học chương trình tiếng dân tộc 4 tiết/tuần. Anh Hồ Văn Lim, phụ huynh có con theo học ở Trường tiểu học Nhâm (A Lưới), bộc bạch: “Con tôi giờ mới được tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ nên cháu viết và nói rất chậm. Mẹ tôi kèm cho cháu cách viết, phát âm và bà ngồi hàng giờ để hát các làn điệu dân ca cha – chấp. Chúng tôi muốn con sẽ là người viết lại những câu chuyện của dòng họ, của dân tộc sau khi đọc thông, viết thạo”.

Tiếng thầy và trò đọc bài, trò chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc tạo nên không khí sôi nổi ở lớp dạy tiếng Cơ Tu dành cho học sinh ở Trường tiểu học Hương Lâm (A Lưới). Trong các tiết dạy tiếng dân tộc, giáo viên và học sinh cũng trực tiếp sử dụng tiếng Cơ Tu. Thông qua tiếng Cơ Tu, dạng như song ngữ, làm cho các em nắm vững kiến thức hơn, hoạt bát hơn, tự tin trong học tập. Phụ huynh ủng hộ khi có chữ viết, có môn học tiếng Tà Ôi nên có thể bảo tồn những giá trị về văn hóa của mỗi dân tộc.

Dẫu còn bỡ ngỡ khi giáo viên là người dân tộc vẫn chưa được đào tạo bài bản về ngôn ngữ mẹ đẻ. Chính niềm tự hào về chữ viết của dân tộc mình khiến họ ngày đêm miệt mài với con chữ để soạn giáo án. Các thầy, cô cứ rong ruổi đến các bản làng, nơi đó có những già làng, am hiểu tường tận về chữ viết cũng như chiều sâu của văn hóa dân tộc. Họ ngạc nhiên, vỡ òa xúc cảm khi hầu như nghĩa của các từ đều có, lại sát nghĩa, không phải vay mượn tiếng Kinh hay ghép từ một cách máy móc, sai nghĩa. Làm được điều đó, người dạy phải thực sự tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực trau dồi kiến thức mới truyền được tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số. Cô Hồ Thị Kăn Hoa, giáo viên Trường tiểu học Hồng Quảng (A Lưới) tâm sự: “Tôi thích dạy các em bằng ngôn ngữ của người Pa Cô. Chúng tôi được nói tiếng nói của dân tộc mình, thấy như có mình trong đó. Bởi, bộ chữ mang nét đặc sắc truyền thống của dân tộc với những cung bậc cảm xúc khác lạ”.

Khó khăn vẫn còn nhiều khi cách phát âm một số từ của dân tộc Cơ Tu khác với âm chuẩn trong tài liệu, thậm chí, có từ bị “lai” từ ngôn ngữ Pa Cô nên giáo viên lúng túng. Đa số, học sinh đã quen cách ghép âm vần tiếng Việt nên trong quá trình viết chữ Cơ Tu còn sai sót. Một số học sinh kỹ năng đọc viết tiếng Việt chưa tốt nên còn khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Một số từ trong sách giáo khoa dịch nghĩa chưa đồng nhất nên giáo viên còn lúng túng.

Ngôn ngữ trên thế giới ngày càng có xu hướng La tinh hoá để “xích lại” gần nhau hơn trong giao tiếp. Vì vậy, chữ viết và tiếng nói của người dân tộc thiểu số được La tinh hoá không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hoá mà còn có ý nghĩa về mặt hội nhập nhằm đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế. Song song với việc phổ cập ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, thiết nghĩ, cần khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào
Return to top