Làm các sản phẩm bảo vệ môi trường ở CLB Trường THPT chuyên Quốc Học
CLB âm nhạc Trường THCS Điền Hải (huyện Phong Điền) được thành lập vào năm 2018, thu hút nhiều học sinh tham gia. Các thành viên trong CLB chủ yếu là những em có năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc cùng một số thầy cô giáo trong trường. Các em có thể tập một bài hát mới, độc tấu đàn ghi ta hay organ hoặc luyện thanh cho một thành viên mới. Hoạt động của CLB thật sự tạo ra sân chơi tập thể, giúp học sinh giải trí sau những buổi học trên lớp, làm khởi sắc đời sống tinh thần trong một ngôi trường còn nhiều khó khăn.
Từ các CLB, rất nhiều bạn học sinh đã tìm thấy những người có cùng sở thích, đam mê và từ đó trở nên thân thiết, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Nguyễn Xuân Tùng, thành viên CLB tranh biện Trường THPT chuyên Quốc Học, cũng là một trường hợp như thế. Là một người vui vẻ, thích tìm tòi và giải thích cho những vấn đề, khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, nên từ lúc đến với CLB tranh biện, Tùng đã tìm thấy sở thích của bản thân, cũng như có thêm những người bạn mới.
Trường THPT chuyên Quốc Học là một trong những trường đi đầu về việc xây dựng hệ thống các CLB trong trường học. Theo cô Dương Thị Quỳnh Châu, Bí thư Đoàn trường, hiện Trường THPT chuyên Quốc Học có 23 CLB với hơn 100 học sinh và trải đều cả ba khối 10, 11, 12. Các CLB luôn có kế hoạch hoạt động rõ ràng trong mỗi năm học và được tổ chức quy củ, phân chia thành từng ban trong mỗi CLB để tối ưu hóa hoạt động. Các CLB cho thấy bản sắc riêng để thu hút thêm thành viên. Nhiều hoạt động do các CLB tổ chức một cách chuyên nghiệp cũng giúp các bạn cải thiện tác phong trong làm việc và sinh hoạt, có trách nhiệm với công việc, học hành...
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng, việc thành lập các CLB giúp các bạn học sinh có cơ hội làm quen, giao lưu và cùng giúp nhau tiến bộ. Trong trường hiện có nhiều CLB về học thuật cũng như sở thích. Các CLB này có số lượng thành viên đông đảo và thường sinh hoạt một đến hai buổi trong tuần. “Những năm trước đây, học sinh không có môi trường để phát huy hết những điểm mạnh của mình. Các hoạt động ngoại khóa cũng ít và các em không có cơ hội thể hiện khả năng. Tuy nhiên, với sự hình thành các CLB trong trường giúp các em nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ, những đam mê của mình”, cô Hà nhấn mạnh.
Các CLB mang đến nhiều nét tích cực cho sinh hoạt học đường, nhưng cô Châu vẫn có nhiều trăn trở. Việc một số CLB chưa thật sự có mô hình, định hướng đúng đắn, tuyển thành viên chưa thật sự tốt khiến cho chất lượng của các hoạt động do CLB tổ chức thiếu tính sáng tạo và chất lượng cần thiết, làm giảm tính trải nghiệm. Một số CLB còn chồng chéo, trùng lặp về hoạt động, đôi khi xảy ra những mâu thuẫn không đáng có. “Mỗi lúc xảy ra mâu thuẫn giữa các CLB, thì thành viên của các CLB cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Các em hiện nay có cái “tôi” lớn, nếu mâu thuẫn rất dễ dẫn tới xích mích và sứt mẻ tình bạn. Tuy nhiên, đó là những sự việc rất hy hữu.
Mô hình CLB đã giúp Đoàn trường phát hiện những nhân tố mới, tìm đúng người, giao đúng việc để khích lệ tinh thần sáng tạo, tự chủ của học sinh trong các hoạt động của nhà trường. Nhờ có lực lượng nòng cốt là thành viên của các CLB, các chương trình, nội dung sinh hoạt Đoàn, hoạt động ngoại khóa tại các trường ngày càng sôi nổi, thiết thực, tạo môi trường mới mẻ cho các em phát huy sở trường, rèn luyện kỹ năng mềm, tăng thêm hiểu biết về các vấn đề xã hội và tự tin theo đuổi ước mơ để ba năm “thanh xuân” thêm phần ý nghĩa.
Bài, ảnh: Đăng Trình