Yếu về giao tiếp
Thùy Trang (cựu sinh viên Trường đại học Khoa học Huế) chia sẻ trong tiếc nuối: “Sau khi ra trường mình đã nộp hồ sơ vào một số công ty. Mọi điều kiện của mình khá ổn, nhưng khi phỏng vấn ngoại ngữ, các nhà tuyển dụng đều từ chối”.
Làm thêm tại khu phố Tây, một trong những lựa chọn của các bạn sinh viên muốn nâng cao ngoại ngữ
Thực trạng hiện nay, nhiều bạn trẻ đầu tư học ngoại ngữ như học kèm gia sư, học tại các trung tâm với học phí đắt đỏ nhưng hiệu quả không cao, có thể giỏi về ngữ pháp nhưng yếu về giao tiếp, đứng trước người nước ngoài chỉ có thể ấp úng vài câu. Nguyễn Thành Đức (cựu sinh viên Trường đại học Khoa học Huế) chia sẻ: “Trước đây mình học tiếng Anh tại trung tâm, giờ đi làm rồi, thời gian bận rộn nên đăng ký học chương trình trực tuyến. Ngữ pháp của mình khá ổn, nhưng giao tiếp chỉ đạt mức đối thoại cơ bản. Khi người đối diện bắt đầu nói nhanh và dài, mình hầu như không nghe được”.
Cũng là một cách học
Nguyễn Ngọc Hân là cựu sinh viên Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Huế. Hân bắt đầu đi làm thêm từ năm thứ nhất, đầu tiên là làm ở quán ăn, sau đó chuyển qua quán bar, đều là những quán dành cho khách du lịch ở khu phố Tây. Trình độ tiếng Anh của Hân ban đầu chỉ ở mức cơ bản. Mới đầu, cô tự học từ vựng, sau khi đã order (gọi món) nhuần nhuyễn rồi, trong thời gian đợi món của khách, cô bắt chuyện với họ, dần dà “quen miệng”. Hân chia sẻ: “Công việc làm thêm của mình trong môi trường với người nước ngoài nên mình học hỏi được nhiều điều từ nhiều nền văn hóa khác nhau, tiếp cận khi khách rảnh rỗi để trò chuyện, kết bạn với họ, tiếng Anh của mình tiến bộ rất nhanh”. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ vốn tiếng Anh tốt, Hân nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần chuyên ngành Microbiology, Medical School, Chonbuk National University.
Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Ái Bình (sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Ngoại ngữ Huế) làm thêm tại DMZ bar, cô niềm nở: “Mục đích lớn nhất của mình khi đi làm thêm là để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi ngoại ngữ, cải thiện phần giao tiếp”. Bình làm thêm ở đây đã được hai tháng, kiếm thêm chi tiêu là một phần nhỏ trong dự định đi làm thêm, bởi cô không có gánh nặng về kinh tế.
Anh Hoàng Đức Sỹ, quản lý DMZ bar, cho hay: “Quán mình phần lớn khách đến từ châu Âu, châu Úc và châu Mỹ, một số khác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nhân viên làm thêm ở đây là sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, đại học Kinh tế, Khoa Du lịch hay Trường cao đẳng nghề Du lịch, đến làm chủ yếu là để học ngoại ngữ. Thời gian đầu, các em thường rụt rè, phản xạ giao tiếp yếu. Sau khoảng 2 đến 3 tháng thì tự tin và chủ động hơn hẳn”.
Học ngoại ngữ cần phải học như chúng ta học tiếng mẹ đẻ, tức là hòa mình vào môi trường ngôn ngữ, phải giao tiếp với người nước ngoài, luôn trong tình trạng cần thiết phải sử dụng ngôn ngữ đó, như vậy mới hiệu quả. TS. Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ Huế, cho hay: “Muốn học ngoại ngữ tốt cần kết hợp nhiều hình thức. Ở trên lớp các em được hướng dẫn cách học khoa học, hướng dẫn tìm và chọn tài liệu tham khảo. Bên cạnh đó, các em cần phải có sự tiếp xúc với người nước ngoài. Ngoài việc học được ngôn ngữ tự nhiên từ họ, các em còn có thể học cách ứng xử văn hóa, hiểu được tính cách và con người bản ngữ thông qua cách nói chuyện, nụ cười, điệu bộ của họ”.
Bài, ảnh: Phước Ly