Không chỉ là thiện nguyện
7 giờ 30 phút, các thành viên CLB Thiện Nguyện bắt đầu tập trung để triển khai hoạt động thu gom ve chai. Họ đến “gõ cửa” từng nhà để xin chai lọ, lon bia và các vật dụng đồng nát. Niềm nở giới thiệu với từng vị chủ nhà, có người nhiệt tình ủng hộ, nhưng cũng không ít trường hợp nghi ngờ. Nguyễn Quyền, Phó Chủ nhiệm CLB mỉm cười: “Người ta cằn nhằn đã quá quen thuộc”.
Hơn hai năm nay (kể từ ngày thành lập), ngoài các hoạt động bán móc khóa, bánh Trung thu (mùa Trung thu), bán hoa (các dịp lễ)… thu gom ve chai là nguồn thu chính của CLB. Trần Thị Minh Tiển, Chủ nhiệm CLB Thiện Nguyện cho biết, ngoài tâm lý giáo dục, sinh viên trong khoa còn được học tâm lý xã hội. Trong môi trường thiện nguyện thật giả lẫn lộn, người làm tình nguyện phải đối mặt với không ít tình huống dở khóc, dở cười. Khó khăn trở thành thử thách của người làm thiện nguyện và với sinh viên khoa tâm lý và đó là một môi trường để học.
Quá trình trực tiếp đến với các hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để các thành viên thực hành những kiến thức mình được học. Xác định mục tiêu chương trình có thể nhỏ nhưng phải ý nghĩa, CLB đã khảo sát, tìm đến nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong phạm vi tỉnh, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động như Tết Trung thu, thăm hỏi động viên những người có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các chương trình ở làng trẻ SOS, các trung tâm khuyết tật… Đây là những nhóm đối tượng dễ mặc cảm, tổn thương, do vậy tâm lý chính là món quà tinh thần đầy ý nghĩa. “Em tham gia câu lạc bộ từ năm học thứ nhất. Đi làm thiện nguyện tại nhiều điểm, tiếp xúc với nhiều đối tượng đó như là một cách thực tế hóa kiến thức được học ở giảng đường. Có những chuyện tụi em gặp trong lúc làm thiện nguyện, sau được thầy cô giảng thì hiểu rất nhanh. Những bạn sinh viên năm 1, 2 được xem như một cơ hội thực tập sớm”, Võ Thị Hương Mơ, thành viên CLB Thiện Nguyện nói.
Cần phát huy
Những năm qua, trong một số hội thảo, vấn đề kỹ năng mềm, thực hành nghề nghiệp của sinh viên là vấn đề được nhiều người nói đến, nhất là các đơn vị đang tuyển nguồn nhân lực.
Ở Huế, mỗi trường đại học có hàng chục CLB, đội, nhóm khác nhau, trong đó có không ít tổ chức hướng đến hoạt động thiện nguyện. Khi thành lập, mục tiêu ban đầu của nhiều tổ chức là giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, sau đó là phát triển kỹ năng cho sinh viên. Song có một số CLB, đội nhóm còn lúng túng trong việc giúp sinh viên phát triển những kỹ năng cần thiết, nhất là liên hệ, vận dụng thực tế đến ngành học.
Cái khó lớn nhất là nhiều CLB, đội nhóm thu hút thành viên từ nhiều khoa, ngành, do vậy trong các buổi sinh hoạt, ngoài chuyện lên kế hoạch cho các hoạt động thiện nguyện, thì những bài học rút ra được chỉ là một số kỹ năng thông thường. Chưa kể đến chuyện, nhiều thành viên tham gia với tính chất phong trào.
Chủ nhiệm CLB Thiện Nguyện Trần Thị Minh Tiển cho rằng, hoạt đông thiện nguyện gắn kết với học tập rất hiệu quả. Sau hơn hai năm thành lập, nhiều thành viên từ chỗ rụt rè nay đã mạnh dạn hơn, họ biết cách ứng dụng ngành học của ra giao tiếp ngoài xã hội. Đây là một thành công lớn và điều này nhiều CLB khác có thể làm được.
Hiện nay, các CLB, đội, nhóm đang hoạt động đều có sự hướng dẫn của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường, ngoài ra vai trò lớn hơn là Hội Sinh viên ĐH Huế. Để hoạt động này phát huy hiệu quả, các đơn vị cần định hướng những chiến lược, cách làm lâu dài để thiện nguyện còn là một môi trường để thực tập, như mô hình của CLB Thiện Nguyện.
Lê Hữu Phúc