ClockThứ Hai, 05/06/2017 13:51

Hành trình tuổi trẻ Cố đô: Không chỉ là trải nghiệm

TTH - Vượt qua 21 đề án của 21 cá nhân/nhóm tham gia dự thi, Hành trình Tuổi trẻ Cố đô của nhóm Youth Challenge vừa giành giải nhất Cuộc thi “Hành trình trải nghiệm và gắn kết Huế” do Trung tâm Học liệu - Đại học Huế phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Trải nghiệm cắm trại tại bãi biển Cảnh Dương. (Ảnh do nhóm Youth Challenge cung cấp)

Kết nối và truyền cảm hứng

“Chuỗi trải nghiệm được chia làm 4 ngày với 4 hành trình khác nhau: Thị thành cổ kính; Ẩm thực Cố đô; Trải nghiệm làng nghề và Non sông hùng vĩ, nhằm mang đến cho các bạn một cái nhìn tổng thể về cuộc sống, con người cũng như các nét đẹp về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên của mảnh đất Cố đô. Chọn 4 hành trình bởi lịch sử, ẩm thực, làng nghề và non sông ở Huế rất khác biệt, không nơi nào có được. Những điểm đến trong mỗi hành trình được cả nhóm thảo luận và cân nhắc rất kỹ bởi điểm nào cũng có cái hay của nó nhưng rồi chúng em cùng phân tích xem điểm nào nổi bật nhất và gắn với Huế nhất”, Nguyễn Thị Nhật Lệ, thành viên nhóm Youth Challenge nói.

“Với 4 hành trình, các bạn sẽ được trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh đó, các thành viên sẽ tranh tài với nhau về các thử thách tương ứng với các trải nghiệm. Điều đó tăng thêm phần hấp dẫn, gay cấn cho chương trình và thu hút nhiều bạn đăng ký tham gia... Tất cả các hoạt động đều hướng đến kết nối giới trẻ, cùng nhau truyền nguồn cảm hứng, truyền tình yêu thương vào vùng đất thơ mộng này”, Võ Thanh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông của nhóm cho biết thêm.

Trải nghiệm đáng nhớ

Tại hành trình 1 - Thị thành cổ kính do Youth Challenge tổ chức, người tham gia được đến tham quan Bia Quốc Học, Nhà cụ Phan Bội Châu, Đàn Nam Giao, Cung An Định, Nhà Kèn, Chùa Thiên Mụ, Nghênh Lương Đình và Kỳ Đài. “Huế là một thành phố được ưu ái với rất nhiều những di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, nhưng hiện tại có một số địa danh đã dần bị quên lãng, không còn được biết đến đúng với ý nghĩa của nó. Chúng em đã trăn trở, suy nghĩ và xây dựng nên chuỗi trải nghiệm này với mong muốn có thể đem lại cái nhìn đúng đắn cho các bạn sinh viên về những địa danh này”, một thành viên của nhóm chia sẻ.

Bước sang hành trình 2 - Ẩm thực Cố đô, người tham gia không chỉ được đến tham quan và nghe giới thiệu về các địa danh như Cồn Hến, làng Nam Phổ, cơ sở làm nem… mà còn được trải nghiệm làm đặc sản cơm hến, bánh canh Nam Phổ, bánh lọc, nem lụi... Hành trình 2 tiếp tục với những điểm đến thú vị như hồ Tịnh Tâm với trải nghiệm nấu chè hạt sen, dạo phố đi bộ với nhiều mặt hàng thủ công truyền thống.

Sang ngày thứ ba, với hành trình Trải nghiệm làng nghề, người tham gia được tìm hiểu làng hoa giấy Thanh Tiên và làng Sình, hai trong số rất nhiều làng nghề thuyền thống lâu đời ở Huế. Mỗi làng nghề gắn liền với những câu chuyện lịch sử, với sự khéo léo, tỉ mỉ và sản phẩm ấn tượng riêng. Trong chuỗi trải nghiệm này, các bạn trẻ có cơ hội được thử sức trong vai trò là nghệ nhân tự tay làm nên những sản phẩm truyền thống đó.

Không kém phần thú vị là những trải nghiệm nhớ đời ở hành trình 4 - Non sông hùng vĩ. Ở hành trình 4, các thành viên tham gia sẽ cắm trại qua đêm tại bãi biển Cảnh Dương tuyệt đẹp, được thoải mái trò chuyện bên lửa trại, tham gia party thịt nướng và nướng khoai lang, ngồi kể chuyện, hát hò trong khung cảnh thơ mộng của biển Cảnh Dương. Rời biển Cảnh Dương, các thành viên tiếp tục di chuyển đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã để thư thái, đắm mình vào vẻ đẹp non sông hùng vĩ nơi đây.

Mục đích của hành trình 4 là tạo thử thách để các bạn sinh viên tranh tài, khám phá, giao lưu và được học thiền từ Trụ trì của Thiền Viện Trúc Lâm. “Chúng em thiết kế hành trình 4 ngày bắt đầu bằng những điểm đến lịch sử cổ kính và kết thúc bằng hoạt động ngồi thiền để tĩnh tâm nhìn lại chặng đường đã qua, hoài niệm quá khứ và nhìn về tương lai phía trước”, Lê Hoài Thương, một thành viên trong nhóm cho hay. “Những trò chơi, thử thách trong hành trình chính là sự gắn kết đồng đội. Như thử thách lều trại, điều này không phải đơn giản bởi mỗi bạn chỉ được dùng 1 tay, vì thế phải kết hợp cùng nhau mà làm. Rồi khi làm cái gì đó, mỗi người chia nhau 1 việc nhỏ để có thành quả chung. Mà không đâu xa, khoác tay lên vai nhau cùng trải nghiệm hết 4 ngày là đã gắn kết với nhau rồi”, Hoàng Hải, thành viên Ban Nội dung trong nhóm hào hứng.

Đạt giải nhất Cuộc thi “Hành trình trải nghiệm và gắn kết Huế” chính là động lực và niềm vui lớn để cả nhóm sẽ tiếp tục với “dự định tổ chức một chương trình trải nghiệm dành cho các bạn tân sinh viên vào tháng 9 tới. Trong định hướng tương lai, sẽ không chỉ gói gọn trong đối tượng là tân sinh viên mà trải nghiệm sẽ còn dành cho những người trẻ yêu Huế”, Hoàng Hải bật mí.

Cuộc thi “Hành trình trải nghiệm và gắn kết Huế” nhằm giúp các bạn tân sinh viên và các bạn trẻ cảm nhận sâu, hiểu rõ và yêu mến văn hóa, cảnh quan, con người và những giá trị bền vững của xứ Huế. Tại cuộc thi này, các thí sinh lên ý tưởng thiết kế chuỗi trải nghiệm Huế 100 giờ (khoảng 4 ngày, 4 đêm) dành cho các bạn tân sinh viên và các bạn trẻ khác đến Huế học tập, sinh sống.

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Phát triển du lịch tâm linh ở Huế

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngành du lịch địa phương đang nỗ lực gắn kết với các ngành để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Phát triển du lịch tâm linh ở Huế
Return to top