Thầy Phan Hữu Tùng (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại lễ trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần X năm 2020
Sinh năm 1973, năm 2001, thầy Tùng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường TH & THCS Phú Sơn, tiếp đó là Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Thủy Phù, và hiện tại, là Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Phú Bài. Trong những năm công tác, thầy Tùng được biết đến là một nhà quản lý đam mê nghiên cứu, sáng tạo với mục tiêu giảm bớt vất vả cho đồng nghiệp và cấp dưới.
Thầy Tùng từng đạt 1 giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 2 giải khuyến khích và 1 giải ba cấp tỉnh; 1 giải nhất, 2 giải nhì cấp tỉnh ở hội thi tự làm đồ dùng dạy học, hội thi thiết kế bài giảng E-leaning do Sở GD & ĐT tổ chức. Và, tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần X – 2020, một lần nữa thầy Tùng có mặt trong nhóm những người đạt giải với phần mềm quản lý học sinh.
“Lúc dạy ở Phú Sơn, cứ mỗi lần thi học kỳ xong thì các giáo viên, văn thư rất vất vả khi phải thao tác thủ công trong việc nhập điểm, đánh giá xếp loại học sinh. Từng giáo viên phụ trách lớp phải làm một bản gửi lên, rồi văn thư tổng hợp lại, rồi đưa lại cho giáo viên. Rồi sau khi gửi các file điểm cho trường thì trường phải tổng hợp sau 3 ngày mới có kết quả, rất mất thời gian. Điều này thôi thúc bản thân làm phần mềm nói trên. Đó là vào năm 2008”, thầy Tùng nhớ lại.
Quá trình bắt tay thực hiện cho đến khi phần mềm hoàn chỉnh không hề đơn giản mà phải mất 3 năm. Bởi, kiến thức liên quan đến vi tính của thầy Tùng chủ yếu do bản thân mày mò, tự học. Nhờ đam mê và kiên trì, sau nhiều lần “xóa đi viết lại”, năm 2011, phần mềm của thầy Tùng hoàn chỉnh, có độ chính xác 100%.
Bằng cách ứng dụng phần mềm Microsoft Excel để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý học sinh, ngoài nhiều tiện ích trong việc quản lý học sinh và kết quả đánh giá, xếp loại, sản phẩm này còn giúp giáo viên nhận xét, in phiếu liên lạc, bản tổng hợp đánh giá kết quả học tập; in học bạ theo đúng quy định về nội dung, mẫu học bạ của Bộ GD & ĐT chỉ trong một file Excel với thao tác đơn giản, dễ sử dụng khi chỉ cần nhập thông tin một lần…
Cũng nhờ phần mềm này, mỗi học sinh được quản lý rất kỹ về điểm, lý lịch, chỗ ở, xếp hạng học tập, hạnh kiểm, nhận xét của giáo viên… và công bố lên trên internet để phụ huynh có thể theo dõi. Ngoài ra, với tất cả các dữ liệu được tự động đồng bộ, từ các lớp, các khối riêng tới cơ quan quản lý cấp trên (giáo viên, hiệu trưởng), mỗi khi cần số liệu thống kê của bất cứ một lớp hay kiểm tra kết quả học tập, thông tin của học sinh nào đó, các cơ quan quản lý chỉ cần nhập vào ô tìm kiếm thì hệ thống sẽ tự động trả kết quả.
Năm 2011 là thời điểm phần mềm hoàn chỉnh, nhiều trường ở địa bàn TX. Hương Thủy đã xin phần mềm của thầy Tùng về áp dụng và có phản hồi tốt. Tiếng lành đồn xa, một số trường ở tỉnh, thành bạn đã liên hệ xin chỉ thêm các kinh nghiệm riêng để áp dụng phần mềm vì số lượng lớp, học sinh, cách tổ chức mỗi trường mỗi nơi không giống nhau. Và thầy Tùng luôn nhiệt tình hướng dẫn, làm phần mềm miễn phí cho các trường bạn.
Ngoài phần mềm quản lý điểm, thầy Tùng còn làm một sản phẩm khác khó hơn, là phần mềm phổ cập. “Lúc dạy ở Phú Sơn, tôi có nhiệm vụ phổ cập cấp 2. Sau khi đi thống kê về, viết số liệu vào giấy, rồi thống kê theo tính toán để xem địa phương đó đạt chuẩn thế nào. Phương thức này rất dễ sai sót và tốn thời gian nên tôi nghĩ đến làm phần mềm khi nhập số liệu vào máy sẽ thống kê toàn bộ.
Vận dụng thuật toán Visual Basic bằng cách mày mò trên internet mấy chục lần, đến nay, phần mềm phổ cập đã được ứng dụng tại Phòng GD & ĐT TX. Hương Thủy và miễn phí hoàn toàn.
Một minh chứng nữa về mong muốn sẻ chia nhọc nhằn cùng đồng nghiệp, cấp dưới khi đầu năm 2020, thời điểm còn là Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Thủy Phù, thầy Phan Hữu Tùng đã chế tạo chiếc xe quét và dọn rác nhằm giảm bớt nhọc nhằn cho bà Lê Thị Chiến - lao công của trường.
Kết hợp với 1 phụ huynh có nghề gò hàn, thầy Tùng hoàn thành chiếc xe này trong 5 ngày với giá thành chỉ khoảng 1 triệu đồng. Xe quét, thu gom rác chế tạo bằng cách tận dụng những vật liệu đơn giản, dễ kiếm như khung sắt, bánh xe, xích, bánh răng... của xe đạp rồi lắp ráp lại. Thay vì phải cặm cụi quét dọn, thu gom, người lao công chỉ việc đẩy chiếc xe này qua khoảng sân, lập tức lá cây, rác... được quét và gom vào thùng thông qua hệ thống chổi, băng chuyền liên kết với hai bánh xe, cần đẩy và hệ thống nhông xích, trục trung gian đảo chiều được thầy mày mò nghiên cứu, chế tạo.
“Sân trường rộng, nhiều cây xanh, thường ngày tôi phải mất cả buổi mới quét và thu gom hết rác. Nhờ có chiếc xe của thầy Tùng tặng, tôi chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Không chỉ quét được rác, lá cây mà xe còn quét sạch cả bụi đất bám trên mặt sân”, bà Chiến cho biết.
Tuy không đạt giải cao ở các cuộc thi và hội thi, nhưng bên cạnh hiệu quả áp dụng vào thực tế, những sáng kiến của thầy Phan Hữu Tùng còn cho thấy cái tâm người thầy luôn trăn trở trước những vất vả, nhọc nhằn của những người xung quanh mình…
Bài, ảnh: Hàn Đăng