ClockThứ Năm, 16/07/2015 18:39

Hướng nghiệp từ bậc tiểu học

TTH - Cô bạn học tiến sĩ ngành giáo dục cùng lớp Ericka Hendrix kể rằng, cô đã tập cho con trai đầu lòng đang học lớp 7 tự kiếm tiền riêng cho mình bằng cách thu gom lon nước ngọt soda (ở Hoa Kỳ ít ai uống bia lon mà toàn uống bia chai), hoặc làm việc nhà được bố mẹ trả công. Đây là phương pháp khá phổ biến của phụ huynh học sinh ở Hoa Kỳ dạy cho con cái tập kiếm tiền và quản lý tài chính, làm tiền đề cho cuộc sống tự lập sau này.
 Học làm bác sĩ thú y tại một trường mầm non ở Mỹ

Định hướng từ mẫu giáo

Ở Mỹ khám phá tiềm năng để định hướng nghề nghiệp cho bản thân là điều mà các phụ huynh cũng như nhà trường rất quan tâm. Họ xác định đối với mỗi cá nhân, việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình là một điều không hề dễ dàng bởi nó quyết định đến sự thành công hoặc thất bại của học sinh trong tương lai. Việc định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là của cả gia đình, tập thể, của toàn xã hội và hơn ai hết chính là những bậc làm cha, làm mẹ để giúp trẻ khám phá tiềm năng bản thân.

Dựa vào sở thích nghề nghiệp, một số tiềm năng bẩm sinh của bản thân và xu hướng xã hội việc định hướng nghề nghiệp của trẻ được đánh thức thông qua chương trình giáo dục tại các trường học.

Từ khi học mẫu giáo lớn tại Trường Wesminster Preschool, trong lớp con gái lớn của tôi đã có các buổi nói chuyện chuyên đề chữa bệnh thông thường với bác sĩ đến từ bệnh viện của thành phố, cách chữa cháy của lực lượng cứu hỏa, hay của các nông dân ngành công nghiệp bông sợi về cách trồng và thu hoạch bông. Đặc biệt hơn, các bé còn có cơ hội được trình bày về các dụng cụ mô tả nghề mà bố mẹ mình đang làm với các bạn bằng sự tự hào lớn lao bởi đó cũng là sự định hướng cá nhân ảnh hưởng từ gia đình.

Từ các buổi nói chuyện, các bé được tham dự các buổi thực tế “field trip” của trường để trở thành nông dân thu hoạch trên bãi ngô hay trồng bông đay, được tập làm bác sĩ thú y khám bệnh và chăm sóc… chó mèo, được tham gia buổi ghi hình trực tiếp làm phát thanh viên dẫn chương trình thời sự trên sóng truyền hình hay các chú lính cứu hỏa sẽ tường tận hướng dẫn các bé cách vận hành thực tế trên một chiếc xe chữa cháy ra sao?

“Sự Tiến Bộ Qua Xác Định Cá Nhân” (AVID - Advancement Via Individual Determination) là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu nhằm chuẩn bị toàn diện cho những học sinh có khả năng thành công trong chương trình giáo dục tại trung học (từ lớp sáu đến suốt các lớp trung học) để hội đủ điều kiện vào chương trình đại học bốn năm. Tổ chức được thành lập hơn 30 năm trước đây với tiêu chí một giáo viên trong một lớp học, ngày nay AVID đã phổ biến đến hơn 800.000 sinh viên tại 44 tiểu bang và 16 quốc gia khác / vùng lãnh thổ.

Đến khi lên lớp 1, do sự hiểu biết về thế giới rộng hơn cộng với sự khẳng định bản thân của các bé nên có những ngành nghề được định hướng đa dạng đến không ngờ: Tập làm nhà nghiên cứu khoa học thể hiện qua các công trình nghiên cứu cá nhân tại hội chợ triển lãm khoa học của trường; Trò chuyện với nhân viên ngành khí tượng thủy văn để tập dự báo hiện tượng dựa trên các biểu đồ thời tiết của tuần; Tập làm… chính trị gia qua việc phát biểu cảm nghĩ nhân dịp cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời hoặc là nhà phê bình nghệ thuật khi tự đưa ra ý kiến nhận xét cá nhân qua các bức tranh vẽ trừu tượng…

Rèn khả năng tương thích

Ở một số trường cấp 2, cứ mỗi tuần, giáo viên chuyên môn sẽ có một tiết sinh hoạt không mang tính chất học tập nghiêm túc để duy trì sở thích nghề nghiệp của học sinh và giúp học sinh tiếp cận với chương trình giáo dục AVID - được thành lập bởi các giáo viên trường trung học cấp I và trung học cấp II với sự hợp tác của các giáo sư đại học dựa trên 30 năm nghiên cứu và các tiêu chuẩn nghiêm khắc, nhấn mạnh phương pháp giáo dục, tập trung vào phần viết - để - học, tham vấn, hợp tác, và đọc - để - hiểu. Phương pháp này giúp cho tất cả học sinh dễ dàng tiếp cận với các lớp dự bị đại học, làm hành trang vào giảng đường đại học mà không bị bỡ ngỡ vì phương pháp học tập khác nhau. Sau đó, các thành viên trong chương trình AVID cần phải tự chọn để tham gia và hoàn thành quá trình nộp đơn và phỏng vấn. Nếu được tuyển chọn, học sinh AVID sẽ ghi danh vào các lớp giáo dục nghiêm ngặt và các lớp AVID tự chọn, các em sẽ nhận được hỗ trợ học tập trong các lớp này.

Đối với sinh viên đại học, sinh viên có thể học chuyên ngành chính cùng với nhiều lớp của chuyên ngành phụ ở các trường đại học khác hay sinh viên sau đại học có thể học chương trình liên ngành ở các trường liên kết với mục đích dễ xin việc hơn khi ra trường với tấm bằng có nhiều chuyên ngành. Để thực hiện việc này, có thể tìm đến các giáo viên cố vấn (counselor) để được định hướng cho việc chọn môn học, lên kế hoạch học tập cũng như tham gia các bài thử nghiệm nghề nghiệp (career test) dành cho sinh viên, sinh viên chuẩn bị hay mới tốt nghiệp đại học muốn khám phá nghề nghiệp hoặc thay đổi sở thích nghề nghiệp dựa trên tính cách nhân cách và khả năng tương thích nghề nghiệp của mỗi cá nhân.

Mặt tích cực của chương trình định hướng nghề nghiệp là giúp học sinh tập làm quen với sở thích nghề nghiệp từ nhỏ, nuôi dưỡng ước mơ của mình cũng như khả năng thích ứng với việc thay đổi bởi tác động không nhỏ của sự thay đổi từ gia đình do tỉ lệ bố mẹ ly hôn tại Hoa Kỳ rất cao, thay đổi chỗ ở kéo theo việc thay trường, đổi bạn… nhằm tạo ra sự hài lòng cao nhất của mọi người khi bước vào cuộc sống công việc của mình.

Phan Quốc Vinh (Lubbock)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để giảng đường không khói thuốc lá

Với nhiều biện pháp tích cực, nhiều trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế (ĐHH) đã hạn chế tối đa cán bộ, giảng viên, sinh viên hút thuốc lá trên giảng đường.

Để giảng đường không khói thuốc lá
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Return to top