ClockThứ Ba, 24/09/2024 15:47

Kết nối nguồn lực để đào tạo song ngành

TTH - Song ngành là xu hướng trong đào tạo đại học hiện nay. Để đào tạo song ngành thật sự hiệu quả, đòi hỏi các trường phải phối hợp, chia sẻ nguồn lực với nhau.

Xóa thách thức, bứt phá nhanh - Kỳ 1: Bao nhiêu thách thức, bấy nhiêu nỗi loPhát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

 Học song ngành sẽ áp lực, song khi tốt nghiệp có hai bằng là điều kiện để sinh viên tăng cơ hội tìm kiếm việc làm tốt (Ảnh minh họa)

Xu hướng đào tạo song ngành

Sẽ có không ít sinh viên sau khi học 1 - 2 năm đại học bắt đầu cảm thấy chán vì không phù hợp, hoặc không thích ngành học hiện tại. Thay vì bỏ học giữa chừng, sinh viên có thể lựa chọn học song ngành, duy trì ngành học hiện tại và học thêm ngành mới mà mình có hứng thú, yêu thích. Sinh viên có thể cố gắng học ngành thứ nhất để đạt được ở mức tối thiểu theo quy định để có thể học ngành thứ hai.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế, Đại học Huế thông tin, nhận thấy xu hướng đào tạo, cùng với đó là yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, cần kiến thức liên ngành, đa ngành, song ngành, cuối năm 2023, Đại học Huế ban hành quy định về đào tạo song ngành trình độ đại học. Đào tạo song ngành tại Đại học Huế có cách tiếp cận hoàn toàn mới trong việc thiết kế và xây dựng nội dung, cùng chương trình đào tạo nhằm tạo ra sự thuận tiện, giảm bớt áp lực và thời gian học tập cho sinh viên. Chọn học song ngành, chỉ sau 4 - 5 năm, sinh viên có thể tốt nghiệp hai bằng cử nhân thay vì phải mất 6 – 8 năm theo các hình thức khác.

“Cấu trúc chương trình đào tạo song ngành được thiết kế từ các thành phần, gồm chương trình đào tạo ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định; chương trình đào tạo ngành thứ hai có khối lượng kiến thức tối thiểu là 30 tín chỉ, không bao gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình phù hợp với quy định hiện hành; việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các đơn vị đào tạo phải đảm bảo kết quả đối sánh chuẩn đầu ra môn học, nhóm môn học, chương trình đào tạo hoặc được thực hiện dựa trên văn bản thỏa thuận của các đơn vị đào tạo; khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức bổ trợ, thực tập, khóa luận, luận văn tốt nghiệp có thể được các đơn vị đào tạo xem xét công nhận chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo theo quy định của Đại học Huế”, TS. Nguyễn Công Hào cho biết.

 Nhà tuyển dụng phỏng vấn sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ sau sau khi ra trường

Học song ngành là xu thế tất yếu và phù hợp với sinh viên trong thời đại công nghiệp lần thứ 4. Với những sinh viên muốn mở rộng kiến thức, hoặc có thêm kiến thức liên quan, bổ trợ cho ngành học hiện tại, sinh viên có thể lựa chọn học song ngành. Điều này sẽ giúp cho sinh viên có thêm nhiều cơ hội để đạt được mục đích của mình. Ví dụ, nếu sinh viên đang có mong muốn mở một nhà hàng kinh doanh số trong tương lai, sinh viên có thể chọn học song ngành quản trị kinh doanh và ngành liên quan đến công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu... Kiến thức sinh viên có được từ hai ngành học này sẽ giúp rút ngắn thời gian hiện thực hóa mong muốn mà sinh viên đã đề ra.

Phối hợp chặt chẽ hơn

Theo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, nếu sinh viên yêu thích hai ngành nghề và nhận thấy mình có khả năng phát triển ở cả hai trong thời gian ngắn nhất, có thể lựa chọn học song ngành. Đây là cơ hội để sinh viên thỏa đam mê, có thể khai phá tiềm năng bản thân. Có trong tay hai tấm bằng cử nhân sẽ giúp sinh viên nhân đôi cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp, hồ sơ năng lực sẽ trở thành “điểm sáng” nổi bật giữa nhiều hồ sơ ứng viên khác. Ngoài ra, tương xứng với những nỗ lực học song ngành, ứng viên xin việc có thể tự tin đàm phán mức lương và mức đãi ngộ phù hợp với mình.

Tuy nhiên, khó khăn trong đào tạo song ngành cũng đã được chỉ ra. Đầu tiên là phía người học. Như chia sẻ của một sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế, ngành thứ hai mà sinh viên này muốn học là Ngôn ngữ Anh, thuộc Trường đại học Ngoại ngữ. Trong lịch học dự kiến của chương trình thứ hai có nhiều thời gian trùng với chương trình thứ nhất. Điều này khiến sinh viên không thể sắp xếp được thời khóa biểu. Cùng với đó, sau một thời gian, sinh viên cảm thấy không đủ sức khỏe và các yếu tố liên quan để theo đuổi học hai ngành cùng lúc. Việc tăng áp lực lên gấp đôi khiến bản thân sinh viên “bị đuối” và sau thời gian đã bỏ một ngành.

TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ thẳng thắn đánh giá, xét về tầm quan trọng, đào tạo song ngành là hướng mở cho các trường trong việc thu hút người học. Đặc biệt là với những trường có tính liên kết giữa các ngành học, có tính bổ trợ tốt cho nhau, như Trường đại học Ngoại ngữ, Trường đại học Kinh tế, Trường đại học Luật... Thực tế cho thấy, để duy trì đào tạo song ngành thì cần số lượng sinh viên đăng ký tương đối, điều này đang gặp khó. Vì vậy, để tuyển sinh song ngành hiệu quả đòi hỏi có sự điều phối chung về nhân lực, vật lực giữa các trường trong Đại học Huế. Các trường cần cùng ngồi lại và thống nhất, chia sẻ khó khăn cho nhau.

TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cho biết, để có thể đào tạo song ngành hiệu quả trong thời gian đến, Đại học Huế sẽ tiếp tục hoàn thiện các chương trình dựa trên sự thống nhất giữa các đơn vị. Làm sao đó để các chương trình được sắp xếp khoa học giữa hai chương trình học trong một trường, hoặc ở hai trường khác nhau. Đại học Huế cũng sẽ xây dựng cổng thông tin kết nối và hỗ trợ đào tạo song ngành giữa các đơn vị thành viên để liên thông, gắn kết các đơn vị với nhau trong đào tạo. Cùng với đó, tư vấn cho sinh viên về ngành học, khả năng về kinh tế, thời gian, sức khỏe… để đưa ra quyết định đăng ký học song ngành, tránh học được một thời gian rồi nghỉ.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút du khách Australia đến Huế

Thừa Thiên Huế cùng 2 tỉnh, thành là Đà Nẵng và Quảng Nam đang đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt là kết nối giữa thị trường khách du lịch Australia với miền Trung Việt Nam. Thông qua việc tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu thương hiệu du lịch “Miền di sản diệu kỳ - Amazing Central Vietnam Heritage” đến với Australia, kỳ vọng sẽ thu hút khách từ thị trường tiềm năng lớn này đến miền Trung Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Thu hút du khách Australia đến Huế
CHỐNG THẤT THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ:
Tăng cường kết nối dữ liệu

Chống thất thu thuế thương mại điện tử là vấn đề nóng trong thời gian gần đây, khi con số doanh thu kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) công bố khá lớn, nhưng số thu ngân sách chưa tương xứng. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chỉ đạo nhằm chống thất thu trong lĩnh vực này.

Tăng cường kết nối dữ liệu
Tiếp thêm nguồn lực cho các em đến trường

Đầu năm học mới, cán bộ tín dụng cũng như các tổ chức hội, đoàn thể lại tất bật với việc tiếp cận với các gia đình khó khăn có con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề để tiếp thêm nguồn lực cho các em đến trường.

Tiếp thêm nguồn lực cho các em đến trường
A Lưới ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch

Xác định phát triển du lịch là chương trình trọng điểm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, A Lưới tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển du lịch.

A Lưới ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch
Return to top