ClockThứ Năm, 17/12/2015 18:13

Khó nhân rộng mô hình trường học mới

TTH - VNEN(Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là dự án sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng mô hình trường học tiên tiến phù hợp mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.

Một giờ học theo Mô hình trường học mới tại Trường tiểu học số 1 Quảng Lợi (Lớp 3)

Tính ưu việt

Dự án được triển khai ở 3.700 trường tiểu học và dự tính sẽ triển khai ở 1.700 trường trung học cơ sở tại Việt Nam. Mô hình VNEN khởi nguồn từ Colombia để dạy học trong những lớp ghép ở vùng khó, theo nguyên tắc lấy học sinh (HS) làm trung tâm. Nó vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy và học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ cho dạy và học...
Điểm nổi bật là đổi mới về các hoạt động sư phạm và một trong những hoạt động đó là cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình VNEN, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh - (HĐTQ HS)”, các “ban” trong lớp, do HS xung phong và được các bạn tín nhiệm bầu nên. Theo giáo viên đứng lớp nhận xét, sự thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của “HĐTQ HS”, các “ban” rất cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, phụ huynh và sự tích cực, trách nhiệm của các em. Đây cũng là một biện pháp giúp HS được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. Các em có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác.
Ông Phan Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Huế nhấn mạnh: “HĐTQ HS với sự hướng dẫn của giáo viên được thành lập là vì HS, bởi HS và để đảm bảo cho các em tham gia dân chủ, tích cực vào đời sống học đường. Trong cơ cấu này, các em tham gia một cách toàn diện vào các hoạt động của nhà trường, phát triển tính tự chủ, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết”.
Tổ chức bộ máy HĐTQ HS gồm 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các ban (Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban sức khoẻ - vệ sinh,  Ban văn nghệ - thể dục, Ban thư viện; Ban đối ngoại…). Trong quy trình thành lập, giáo viên có vai trò lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng cho học sinh. Cô cùng HS thảo luận về phẩm chất, năng lực cần có của các bạn trong HĐTQ HS. Sau đó HS lập danh sách ứng cử và danh sách đề cử để bỏ phiếu bầu. Các HS trong danh sách ứng cử, đề cử sẽ giới thiệu về bản thân, những mong muốn của em về lớp học, những việc em sẽ làm nếu như em trở thành chủ tịch... Đây là một hoạt động nhằm tạo điều kiện cho HS được cảm thấy dân chủ, công bằng, bình đẳng và được học cách thuyết trình trước đám đông.
HĐTQ HS cùng giáo viên quyết định thành lập các ban chuyên trách và cùng ban xây dựng kế hoạch hành động. Để làm việc có hiệu quả, mỗi ban có sự hỗ trợ, tư vấn của phụ huynh và giáo viên. Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Lợi (Quảng Điền) cho rằng quá trình thành lập “HĐTQ HS” giúp các em hiểu được quá trình bầu cử tự do, công bằng và dân chủ của đất nước, của địa phương; giúp học sinh có thể nảy sinh đề xuất những ý tưởng mới của chính các em. Thông qua đó, HS tự giác hơn, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong quản lý và chỉ đạo những công việc được giao.
Phụ huynh, giáo viên tham gia dự án đều đề cao việc cá nhân tự trải nghiệm và cũng chấp nhận sự khác biệt về khả năng tiếp nhận của học sinh. Giáo viên sẽ là người chủ động quan sát, phát hiện để kịp thời hỗ trợ cho học sinh yếu. Thay vì “xem” thầy cô dạy, HS tự thể hiện tiết học.
Khó nhân rộng
Thừa Thiên Huế đã triển khai điểm mô hình VNEN ở tất cả các huyện, thị xã, riêng TP Huế đã chọn Trường tiểu học Hương Long để thực hiện. Đánh giá sự thay đổi của Trường tiểu học Hương Long trong quá trình tham gia dự án, ông Phan Nam cho rằng VNEN đã thực sự làm thay đổi tư duy người học lẫn người dạy. Các em học sinh ở đây, dù là học sinh vùng ven nhưng tự tin trong mọi hoạt động của lớp, của trường và tham gia tích cực, chủ động các hoạt động có quy mô rộng hơn. Điều này xác thực tính tích cực của dự án khi áp dụng.
Nếu đem VNEN áp dụng rộng vào trường học ở Huế nói riêng và toàn tỉnh nói chung thì sẽ nảy sinh một số vấn đề khá nan giải. Đó là CSVC và chương trình. Theo tìm hiểu từ giáo viên và đội ngũ quản lý, chúng tôi nhận ra là VNEN thực chất là một phương pháp mới, ưu việt. Song hành với cái mới trong phương pháp giảng dạy mới của VNEN vẫn là chương trình sách giáo khoa cũ. Vì vậy, đội ngũ giáo viên khi đứng lớp gặp khó khăn khi phải chủ động cắt giảm bài giảng. Điều này tạo nên tính sáng tạo cho giáo viên, nhưng cũng không thể lường hết sự bất ổn chương trình học nếu giáo viên cắt, dán không phù hợp.
Phương pháp mới đòi hỏi công tác tổ chức mới, một giáo viên dạy theo lối cũ “chỉ huy” 35 học sinh đã rất vất vả, nay số học sinh không giảm mà hình thức tổ chức thay đổi. Học sinh đông, giáo viên không bao quát hết các nhóm, ban. Theo ông Nam, lớp học theo mô hình VNEN chỉ nên có từ 15 đến 25 em. Như vậy, giáo viên mới sâu sát theo dõi tư duy học sinh để cũng hướng hoạt động tư duy ấy theo định hướng bài giảng. Mà như vậy, lại cần có một cuộc “cải cách” CSVC. Phòng ốc phải rộng rãi hơn, sĩ số ít hơn, sẽ cần tăng cường giáo viên… là điều khó có thể được đáp ứng, nhất là ngay tại Huế, nhất là các trường khu vực trung tâm hiện sĩ số vẫn trên dưới 40.
Bài, ảnh: Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tri ân “Người gieo mầm xanh”

Ngày 20/11, Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức tổng kết cuộc thi viết lời tri ân “Người gieo mầm xanh” cho toàn thể học sinh, sinh viên toàn trường.

Tri ân “Người gieo mầm xanh”
Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

Thật ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến một lớp học không cần bảng đen, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Chuyện về những giáo viên không cầm phấn
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Yêu thương & tâm huyết

Sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và tình cảm thân thương thầy – trò là niềm hạnh phúc giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua bao áp lực để làm tốt nhiệm vụ “gieo con chữ”.

Yêu thương  tâm huyết
Return to top