ClockThứ Ba, 26/09/2023 10:57

Không để nóng chuyện lạm thu đầu năm học mới

TTH - Một cô giáo có thâm niên trong nghề thở phào nhẹ nhõm khi kể rằng, họp phụ huynh đầu năm nay khá nhẹ nhàng, cô không phải căng người giải đáp các khoản thu mà nhà trường yêu cầu đóng góp. Bởi, mức thu các khoản nộp đầu năm đều đã có trong Nghị quyết 05/2022/NQ – HĐND, các trường không thể vượt khung.
 Đa số các trường học đều thực hiện thu các khoản đầu năm học theo Nghị quyết 05 (ảnh minh họa)

Nhớ những năm trước, đầu năm học thường xuất hiện tình trạng lạm thu ở các trường tiểu học trên địa bàn T.P Huế. Nguyên nhân là một số khoản thu được trường chuyển sang theo hình thức tự nguyện. Phụ huynh không đồng tình với mức thu nhưng không tiện phản đối, vì sợ nhà trường làm khó cô giáo chủ nhiệm hoặc con em họ. Có người ngán ngẩm không muốn đi họp phụ huynh khi mục đích chính cũng chỉ để nộp tiền.

Năm học 2023 - 2024, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ – HĐND ban hành ngày 3/6/2022 về quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Tất nhiên, mỗi trường đều có các khoản thu khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân trong vùng. Nhớ cách đây không lâu, hiệu trưởng một trường tiểu học phấn khởi khoe, với mức thu tiền ăn bán trú từ 16.000 đến 30.000 đồng/em/ngày, nhà trường có thể áp dụng để nâng cao chất lượng bữa ăn trưa cho học sinh mà không sợ bị “lời ra, tiếng vào”. Theo quy định, khi học sinh mới tuyển sinh hoặc trang bị lần đầu sẽ thu 300.000 đồng/em/năm học; còn các trường trang bị hàng năm chỉ thu 150.000 đồng/em/năm học. Thế nên, đã chấm dứt tình trạng phụ huynh phải hỗ trợ các khoản đóng góp khi con học trái tuyến hoặc mới vào đầu cấp học.

Thông thường, nhu cầu mua và chi phí lắp điều hòa ở các lớp theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Đành rằng, câu chuyện mua sắm điều hòa hay các trang thiết bị dạy học phục vụ học sinh trên lớp là chuyện cần làm, vì bố mẹ nào cũng muốn con mình có điều kiện tốt hơn để được học tập trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở cách trao đổi, cách mua, sử dụng qua từng năm và cách minh bạch các khoản thu đó. Theo quy định, các lớp lắp công tơ điện riêng, thu theo thực tế sử dụng điện và chi phí lắp điều hòa. Chính điều này đã hạn chế tình trạng mỗi trường thu một kiểu như đã từng xảy ra trước đây.

Cũng theo Nghị quyết 05, các cơ sở giáo dục phải thực hiện thu đúng, thu vừa đủ chi, chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Trước khi thu, phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản; chỉ được thu sau khi đã thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Mức thu không vượt quá mức thu tối đa quy định tại Nghị quyết này. Ngành giáp dục cũng đã chỉ đạo quyết liệt, các trường tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lạm thu; thu không đúng quy định, tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện trong các cơ sở giáo dục dưới bất kỳ hình thức nào, gây bức xúc trong dư luận xã hội và Nhân dân. Lãnh đạo ngành giáo dục nêu quan điểm: "Các trường phải thực sự minh bạch, rạch ròi và lấy ý kiến của đông đảo phụ huynh, phải phục vụ mục đích giáo dục, thu đúng, thu đủ. Ngoài ra, việc triển khai, tổ chức thực hiện thu học phí và các khoản thu hợp pháp khác bằng hình thức không dùng tiền mặt giúp tăng tính minh bạch, giảm tình trạng lạm thu và góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học".

 Vẫn còn tình trạng "con sâu, làm rầu nồi canh" gây bất bình trong dư luận. Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt. Do đó, việc xã hội hóa cần đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cơ quan chính quyền ở địa phương cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để có thể ngăn chặn kịp thời. Còn cha mẹ học sinh, cần nắm rõ các quy định về các khoản được thu và không được thu trong nhà trường để từ đó thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát.

Bài, ảnh: An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top