Để gây quỹ khuyến học, Hội Khuyến học xã Điền Hòa (Phong Điền) vận động mỗi cặp vợ chồng khi đăng ký kết hôn tự nguyện ủng hộ 200.000 đồng. Mùng 4 Tết âm lịch hằng năm, hội tổ chức văn nghệ kèm theo xổ số để xây dựng quỹ. Ban Chấp hành Hội Khuyến học cũng rất năng động phân công nhiệm vụ từng thành viên về phụ trách các thôn dân cư để khi có các cá nhân, gia đình đi làm ăn từ trong và ngoài nước có điều kiện kinh tế có tâm huyết về thăm thì gửi lời kêu gọi ủng hộ quỹ.
Nhận thấy nguồn lợi từ đánh bắt thủy sản ở đầm phá, Chi hội Khuyến học thôn Định Cư ở xã Phú An (Phú Vang) đề nghị cấp ủy, thôn cho phép chi hội được đặt 2 nò chuôm ở vị trí ngã ba dòng chảy. Mỗi điểm nò chuôm mỗi năm khai thác 5 - 6 lần, mỗi lần có lượng cá tôm thu hoạch 4 - 6 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm từ 2 “nò chuôm khuyến học” này, chi hội thu chừng 60 - 70 triệu đồng.
Cũng là hình thức gây quỹ khuyến học, Ban khuyến học dòng họ Văn xã Quảng Thái (Quảng Điền) chú trọng đẩy mạnh xây dựng quỹ thường niên và quỹ tương trợ để không ngừng phát triển nguồn quỹ vững chắc. Để làm tốt phong trào này, hằng năm, Ban khuyến học đã tham mưu hội đồng tộc để nâng dần mức đóng góp quỹ từ bà con trong dòng tộc qua mỗi kỳ giỗ chạp; tích cực kêu gọi tinh thần tương trợ của con dân họ ở trong và ngoài địa phương (đặc biệt là các doanh nghiệp) trong các buổi lễ phát thưởng, tuyên dương để làm dồi dào nguồn quỹ.
Nhiều năm qua, ở Phú Lộc đã xuất hiện nhiều mô hình gây quỹ khuyến học hay, cần được nhân rộng. Đó là phong trào nuôi heo đất của giáo viên và học sinh Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì; mô hình 1 + 1 của họ Nguyễn Văn thôn Thuận Hóa (xã Lộc Bổn); mô hình câu lạc bộ 1 triệu đồng của xã Giang Hải; mô hình tiết kiệm của cựu học sinh 4 trường trung học phổ thông trong huyện.
Báo cáo tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ thứ IV (2019 - 2024) cho biết, trong 5 năm, từ quỹ khuyến học, Tỉnh hội cấp 6.300 suất học bổng; trong đó có 203 suất trị giá 309 triệu đồng khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao; 290 suất trị giá 290 triệu đồng cho 290 học sinh, sinh viên các trường nghề, 200 suất trị giá 250 triệu đồng cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội Khuyến học các địa phương, các dòng họ trao thưởng và học bổng trên 50.000 suất/năm.
Quỹ khuyến học được hiểu là các quỹ do tổ chức, cá nhân thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm hỗ trợ, động viên, khen thưởng, khuyến khích và giúp đỡ về tài chính cho người học, góp phần vào việc phát triển giáo dục. Ở Thừa Thiên Huế, quỹ khuyến học đã và đang được hình thành một cách đa dạng và sáng tạo. Thực tế cho thấy, quỹ khuyến học ở cơ sở đã thực hiện hỗ trợ học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, khen thưởng học sinh nghèo vượt khó học giỏi, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc, hỗ trợ giáo viên dạy giỏi gặp khó khăn, khen thưởng giáo viên giỏi... Tuy nhiên, quỹ khuyến học vẫn chưa có số thu lớn có thể hỗ trợ cho hoạt động dạy và học của các nhà trường.
Xây dựng, quản lý và sử dụng tốt quỹ khuyến học, khuyến tài bằng cách đa dạng hóa các hình thức huy động quỹ; phát triển Quỹ Khuyến tài Nguyễn Chí Thanh và đổi mới các hình thức trao thưởng, cấp học bổng… đã và đang là vấn đề đặt ra trong công tác khuyến học và khuyến tài ở Thừa Thiên Huế.
An Nhiên