KTX Đống Đa xây lâu năm nên dần xuống cấp
Hướng đến đối tượng… bình dân
Ông Hồ Nhật Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên cho biết, hiện trung tâm quản lý 3 khu KTX phục vụ sinh viên ĐH Huế là KTX Trường Bia (486 phòng với khoảng 3.000 chỗ), KTX Tây Lộc (60 phòng, 480 chỗ) và KTX Đống Đa (30 phòng, 350 chỗ). Năm học 2016 – 2017, trung tâm dành 600 chỗ ở KTX Trường Bia, 100 chỗ ở KTX Đống Đa và 100 chỗ ở KTX Tây Lộc cho các tân sinh viên.
Tùy theo số lượng người ở (thường là 4-6-8 người), giá thuê mỗi phòng trung bình khoảng 1 triệu đồng/tháng. Các phòng cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của sinh viên: có nhà vệ sinh trong, khu vực phơi đồ,… “Những năm qua, lượng sinh viên đến thuê phòng đều khá đông nhưng trung tâm đều đảm bảo đủ chỗ ở cho các em. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người đến thuê phòng nhờ đó phục vụ các sinh viên được tốt hơn”, ông Thành nói.
Sinh viên tại KTX Trường Bia
Quan sát cho thấy, các KTX đều có phòng tự học chung, phòng học nhóm. Ngoài ra, trong KTX còn có các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo, cấp chứng chỉ tin học, tài chính, kế toán với mức giá ưu đãi cho sinh viên nội trú. Quản lý các đơn vị cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên như cho phép một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi làm thêm về muộn hơn giờ quy định (sinh viên đã xin trước). “Em thấy ở ký túc xá cũng thuận lợi cho việc học, ở đây an toàn hơn ở trọ, có nề nếp”, Nguyễn Thị Liễu, sinh viên Trường ĐH Sư phạm đánh giá.
Từng bước cải thiện
Trung tâm Phục vụ sinh viên định hướng xây dựng KTX ĐH Huế theo hướng văn minh, hiện đại. Để làm được điều đó, trung tâm đang từng bước cải tạo, nâng cấp và mở rộng các dịch vụ. Điển hình như năm nay, các KTX được trang bị hệ thống internet đến từng phòng, sinh viên có nhu cầu sử dụng chỉ cần nộp card.
Chất lượng của môi trường giáo dục được đánh giá trên nhiều góc độ khác nhau. Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh mạnh như hiện nay, để thu hút sinh viên thì ngay từ nơi ăn, chốn ở cho người học cũng nên được tính đến. Để các KTX trở nên văn minh, hiện đại, ngoài sự nỗ lực của trung tâm cũng cần ý thức của người sử dụng.
|
Thời điểm sinh viên nghỉ hè vừa qua, trung tâm tiến hành cải tạo, sửa chữa điện, nước, phòng,... Riêng KTX Trường Bia, trung tâm đầu tư 100 triệu đồng để sửa lại nhà A1, 70 triệu đồng cải tạo hệ thống thoát nước. Tổng nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp các KTX khoảng hơn 600 triệu đồng. Các căn tin được đầu tư, mở rộng thêm nhiều mặt hàng; dự kiến năm nay sẽ mở thêm dịch vụ giặt sấy, đáp ứng được nhu cầu và giải quyết tình trạng nhếch nhách khu phơi áo quần của sinh viên vào mùa mưa.
Tuy nhiên, hiện lượng sinh viên chưa nhiều, mức thu thấp, trong khi đơn vị này phải tự chủ việc thu chi làm chậm quá trình hiện đại hóa dịch vụ KTX. “Trung tâm không thể một lần đầu tư quá nhiều vì thiếu kinh phí. Hiện tại còn thiếu dịch vụ y tế để sơ cứu kịp thời khi sinh viên đau ốm, nhất là vào ban đêm. Các đơn vị bên ngoài có vào nghiên cứu nhưng do lượng sinh viên không cao, nhu cầu còn hạn chế, khó sinh lãi nên họ từ chối”, ông Thành nói.
Ở cả 3 KTX nói trên, dù có khu vực thể thao, nhưng chỉ mới đầu tư các môn bóng bàn, xà đơn xà kép, bóng chuyền, cầu lông, trong đó nhu cầu một sân chơi bóng đá (sân cỏ tự nhiên) vẫn chưa có,…
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm phục vụ sinh viên ĐH Huế cho rằng, phương hướng, kế hoạch xây dựng các KTX theo hướng văn minh, hiện đại là thay đổi cung cách phục vụ theo hướng “Phục vụ - dịch vụ và ứng dụng CNTT”; xây dựng môi trường thân thiện, văn hóa; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các cơ sở KTX cũ, xây dựng đã lâu năm, cải thiện phòng ở thoáng mát, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho sinh hoạt của sinh viên; kêu gọi nhiều nhà đầu tư cung cấp dịch vụ phục vụ thiết yếu cho các mặt hoạt động của KTX,.... Tuy nhiên, để thực hiện được những kế hoạch nói trên, không phải là chuyện một sớm một chiều.
Lê Hữu Phúc