Điều đầu tiên cần lưu ý là, chương trình Giáo dục phổ thông mới này đã được Bộ GD&ĐT ban hành từ tháng 12/2018 (còn gọi là chương trình Giáo dục phổ thông 2018). Bắt đầu áp dụng cho lớp 1 từ hai năm trước (năm học 2020-2021), lớp 6 từ năm ngoái (2021-2022). Năm học tới 2022-2023, sẽ tiếp tục áp dụng đối với lớp 3, lớp 7 và lần đầu tiên áp dụng cho cấp THPT (lớp 10).
Nếu xem một cách đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới, từ chương trình tổng thể cho đến chương trình giáo dục môn lịch sử, từ giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) cho đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12); đồng thời, so sánh với các môn học khác trong chương trình này, thì sẽ thấy môn lịch sử được học nhiều hơn chương trình trước đó (áp dụng từ năm 2006).
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ 9 năm học. Từ lớp 1 đến lớp 3, giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn học tự nhiên và xã hội, với tổng thời lượng cho cả ba năm học là 210 tiết. Trong khi chương trình giáo dục phổ thông trước đó chỉ có 140 tiết. Ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn lịch sử và địa lý, với tổng số 140 tiết. Theo Bộ GD&ĐT, chương trình môn lịch sử, địa lý ở hai lớp này không thay đổi về thời lượng so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn lịch sử và địa lý là môn học bắt buộc từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn lịch sử.
Ở cấp trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12), cấu trúc chương trình được thiết kế theo cách giáo dục định hướng nghề nghiệp. Học sinh tiếp tục học bảy môn bắt buộc như giai đoạn cơ bản. Đồng thời, học sinh phải học 5 môn lựa chọn trong 3 nhóm môn học. Nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, hóa học, sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật. Trong đó, mỗi nhóm phải chọn ít nhất một môn học. Theo Bộ GD&ĐT, chương trình môn lịch sử cấp trung học phổ thông có tổng thời lượng 315 tiết. Trong khi chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết. Ngoài ra, nội dung lịch sử còn có trong môn giáo dục địa phương.
Nếu xem xét một cách tổng thể và cụ thể như thế, thì rõ ràng không có chuyện môn lịch sử bị loại bỏ khỏi chương trình phổ thông. Tuy nhiên, với chương trình mới này, môn lịch sử vẫn chưa phải là môn bắt buộc ở cấp THPT.
Có cần phải bắt buộc không? Câu hỏi đó đang gây tranh luận trên nhiều diễn đàn và câu trả lời vẫn chưa ngã ngũ. Các ý kiến đề nghị đưa môn sử là môn học bắt buộc, vì lịch sử là môn học quan trọng, nhằm trang bị cho học sinh kiến thức lịch sử của quốc gia, giáo dục lòng yêu nước, bởi lịch sử là nhân tố làm nên văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa, cốt cách dân tộc... Nếu không đưa lịch sử thành môn học bắt buộc thì sẽ có rất ít học sinh chọn học môn này. Và như thế, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “dân ta không biết sử ta”.
Suốt 9 năm học lịch sử, từ lớp 1 đến lớp 9, cùng với học lịch sử qua môn giáo dục địa phương, và các hoạt động trải nghiệm với di sản, ở bảo tàng và ngoài thực địa... với một khối lượng kiến thức lịch sử lớn như thế, lẽ nào một học sinh lớp 10 vẫn không biết gì về sử ta? Vì định hướng theo nghề nghiệp thuộc ngành khoa học tự nhiên, học sinh đó đã lựa chọn 5 môn lý, hóa, sinh, pháp luật và địa lý. Liệu có thể đánh giá học sinh đó sẽ không biết gì về sử ta, và vì thế mà lòng yêu nước sẽ không được giáo dục đầy đủ? Liệu có chắc rằng khi tất cả học sinh THPT buộc phải học môn lịch sử thì họ mới hiểu biết sử ta, và vì thế mà lòng yêu nước sẽ tăng hơn?...
Rất nhiều câu hỏi như thế đã đặt ra, suốt nhiều năm qua, và các cuộc tranh luận vẫn chưa thể kết thúc.
Trong khi ít người muốn học môn sử thì các bộ phim lịch sử trên truyền hình vẫn được nhiều người xem, sách lịch sử vẫn nằm trong nhóm sách bán chạy nhất (từ truyện tranh cho đến sách biên khảo, bình luận lịch sử). Vì vậy, đừng lo học sinh không lựa chọn môn sử, mà hãy làm cách nào đó để học sinh thích lựa chọn môn sử. Lịch sử không chỉ có trong sách giáo khoa và tiết học lịch sử, mà còn có trong núi sông, rừng biển, đình chùa, lăng tẩm, trong bảo tàng, rạp phim, trên sách báo, truyền hình... Các sinh viên y dược, bách khoa, kinh tế... đã hiểu biết về lịch sử và yêu hơn nước mình chính là qua những bài học lịch sử như thế. Với cách tiếp cận sinh động như vậy, sẽ thấy lịch sử là môn học quá hấp dẫn. Nếu lịch sử luôn là môn học hấp dẫn thì lo gì việc bắt buộc hay lựa chọn.
MINH ĐĂNG