Phù hợp năng lực học sinh
Trường THPT Cao Thắng có 258 em chọn tổ hợp khoa học xã hội; 115 em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên và 5 em chọn 2 tổ hợp. Số học sinh ôn thi ở trường tập trung vào các môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Những em có học lực yếu, nhà trường phân công giáo viên dạy bồi dưỡng kèm cặp giúp để củng cố kiến thức.
Riêng đối với học sinh không ôn tập ở trường, nhà trường yêu cầu phụ huynh cam kết trong việc quản lý các em ôn tập tại nhà.
Em Huỳnh Quốc Duy, học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Thắng, chia sẻ: Em muốn ôn thi ở trường vì đội ngũ dạy luyện thi đều là giáo viên giỏi, có kinh nghiệm. Học với thầy cô giáo quen dễ hỏi bài hơn. Em chủ yếu tập trung nghe giảng, nắm chắc kiến thức cơ bản trên lớp và tăng cường thực hành giải đề.
Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học ráo riết ôn tập
Có nhiều cách để các em luyện thi sau khi kết thúc chương trình học ở trường. Có em chọn đến các trung tâm hoặc ôn thi trực tuyến trên mạng, tự học ở nhà… Tuy nhiên, đây là vấn đề mà nhiều trường khá lo lắng, nhất là học sinh có học lực không tốt dễ không theo kịp bài vở khi không được hệ thống lại kiến thức. Học sinh ở các trường huyện lại không có điều kiện để đến các trung tâm luyện thi nên ôn thi ở trường vẫn là sự lựa chọn số 1.
“Nhà trường nhắc nhở giáo viên khi hoàn thành chương trình lớp 12 tuyệt đối không được cắt xén chương trình. Nếu trong quá trình ôn thi, học sinh nào kiến thức quá yếu, giáo viên có thể kèm cặp thêm. Thời điểm này, nhà trường ôn tập thêm kiến thức lớp 10 - 11 để học sinh tự tin làm được bài thi”, thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc), thông tin.
Không chủ quan
Sở Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ cho các trường trong việc ra đề thi thử, tuy nhiên, có sự kiểm tra chặt chẽ trong khâu ra đề thi để có sự điều chỉnh phù hợp trong ôn tập. Các trường chủ động tiếp cận với đề thi và lên phương án ôn luyện, hệ thống kiến thức cho học sinh.
Xu hướng chọn ngành nghề của học sinh trong các trường thiên về những ngành nghề có việc làm cao, như: Quản trị du lịch - khách sạn, công nghệ thông tin... Các trường xây dựng nội dung theo năng lực, ngành nghề chọn lựa của học sinh nhằm giúp các em ôn tập phù hợp và đúng trọng tâm. Chẳng hạn những học sinh giỏi, chọn các trường đại học thuộc “top đầu” như: Y dược, bách khoa, ngoại thương… Các trường sẽ ôn tập những kiến thức nâng cao. Còn học sinh chọn các trường đại học kinh tế, sư phạm kỹ thuật, nông lâm.... thường tập trung ôn tập chương trình lớp 12.
Đánh giá năng lực học sinh qua các đợt thi thử
“Tỷ lệ phân hóa trong đề thi là 60% nội dung cơ bản và 40% nâng cao. Đề minh họa năm nay được đánh giá dễ hơn so với năm ngoái, nhưng trường không chủ quan khi xây dựng ngân hàng đề, các môn đều tăng độ khó lên khoảng 10 - 15%. Thầy giáo Lê Anh, tổ trưởng bộ môn toán, Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc), cho hay.
Tỷ lệ kết quả thi sẽ tăng từ 50% lên 70%, còn 30% là điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. Các trường tính toán, cách tính điểm 50 – 50, học sinh sẽ không quá phụ thuộc vào bài thi, chỉ cần không bị điểm liệt là gần như chắc chắn đỗ tốt nghiệp. Còn cách tính điểm mới, nếu điểm trung bình 7 phẩy mà điểm thi chỉ 3,5 điểm thì không thể trúng tuyển. Kết quả thi do vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tuy nhiên, không phải vì thế mà gây áp lực với học sinh.
Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào cho biết: Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục thống nhất với học sinh và phụ huynh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, hiệu quả nhưng không gây quá tải. Việc tổ chức học thêm để ôn thi phải đúng quy định và đảm bảo tính tự nguyện của học sinh cũng như tính hiệu quả của nội dung dạy học. Riêng những em có hoàn cảnh khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường dạy miễn phí cho các em.
Bài ảnh: Huế Thu