Khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt tại đàn Văn Võ Thánh
Những ngày tháng 9, chuyện khuyến học, khuyến tài ở làng Phù Bài (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) lại râm ran, nhất là chuyện xã nhà có bao nhiêu em đỗ đại học điểm cao hay có học sinh trường huyện nào trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Quốc Học Huế hay không. Và, những bước chân thầm lặng của các ông già về hưu vẫn lại cứ tiếp tục, để tìm học bổng, suất quà dù là nhỏ nhoi động viên các cháu.
Ông Lê Cẩn (thôn 1A, xã Thủy Phù) về hưu chừng 10 năm và cũng khoảng thời gian ấy, ông miệt mài với công tác vận động gây quỹ khuyến học. Những người già như ông Cẩn, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, tỏa khắp muôn phương để tìm kế sinh nhai, đến tuổi xế chiều cùng hội tụ, có chung quan điểm với tình yêu quê hương, đề ra thẳng mục tiêu và nhiệm vụ là chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ở quê hương. “Phù Bài đẹp mãi tình làng quê/bụi phấn trường xưa bao thế hệ/nặng nợ tình quê nay hội ngộ/chăm lo khuyến học một lời thề”. Ông Cẩn đọc những câu thơ như kim chỉ nam để tập hợp hội cựu học sinh (CHS) làng Phù Bài làm khuyến học mà khi nhắc tên gần xa đều biết.
“Xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để động viên khen thưởng các em có thành tích học tập và các em nghèo vượt khó được chúng tôi làm hơn 10 năm qua. Chúng tôi đều là những CHS của làng Phù Bài, có người đã về hưu, có người đang làm việc nhưng nặng lòng với việc chăm lo giáo dục nên tập hợp lại để gây dựng hội khuyến học”, ông Cẩn nói.
Ở làng Phù Bài, những người như ông Cẩn không hiếm. Không chỉ vận động, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để đóng góp gây dựng quỹ khuyến học như ông Lê Văn Hiếu, Lê Văn Soa, Lê Quang Sanh, Phan Bôn… Những người “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” chỉ mong mỏi góp công sức nhỏ nhoi của mình để xây dựng quê hương, ươm mầm những tương lai cho đất nước.
“Mỗi lần đi vận động, chúng tôi thường nêu bật lên trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và quê hương để mọi người cùng chung tay. Bằng uy tín của những người lớn tuổi, thế hệ đi trước, 35 thành viên của hội tỏa đi khắp nơi để kêu gọi. Ngoài ra, mỗi thành viên cũng tiết kiệm tiền hàng năm để đóng góp quỹ khuyến học, duy trì một số tiền sẵn có cộng với kinh phí kêu gọi được khen thưởng cho các cháu”, ông Cẩn chia sẻ.
Thành lập từ năm 2007, năm nào Hội CHS làng Phù Bài cũng tổ chức phát thưởng cho các học sinh có thành tích trong học tập và thi đỗ vào đại học. Hơn 600 triệu đồng đã được hội vận động trao cho các em.
Từ tấm lòng của những người già, giáo dục làng Phù Bài hôm nay phát triển vượt bậc, nhiều con em địa phương coi đó là nguồn động viên, khích lệ trong học tập. Với học sinh làng Phù Bài khi được đứng ở đàn Văn Võ Thánh linh thiêng tại xứ ông Trọng nhận thưởng từ thế hệ đi trước là niềm tự hào xen lẫn trách nhiệm lớn lao.
Bí thư Đảng ủy xã Thủy Phù Ngô Toản bảo rằng, công tác giáo dục tại địa phương này luôn có sự chung sức, đóng góp của những thế hệ đi trước. Đặc biệt, công tác khuyến học luôn có những bàn tay góp công của Hội CHS làng Phù Bài.
Kể về chuyện “người già” làng Phù Bài gây quỹ khuyến học, Chủ tịch Hội Khuyến học TX. Hương Thủy Lê Văn Chung dẫn ra một con số để cho thấy sự hiệu quả. Nếu như năm 2017, Hội CHS Phù Bài chỉ phát thưởng cho 25 tân sinh viên thì đến năm 2017, đã có 70 tân sinh viên được động viên đầu năm học mới.
“Hội CHS làng Phù Bài là chi hội khuyến học điển hình. Họ huy động nguồn lực rất tích cực, hoạt động có trách nhiệm. Bằng uy tín của mình, họ đã đặt vấn đề để chính quyền địa phương vào cuộc, duy trì quỹ khuyến học của làng. Qua đó, động viên con cháu nâng cao tinh thần hiếu học. Hiện nay, tại làng Phù Bài có những thế hệ học sinh đi trước rất thành đạt, họ cũng tâm huyết để xây dựng quê hương. Hy vọng, công tác khuyến học này sẽ được tiếp nối qua các thế hệ”, ông Chung đánh giá.
Bài, ảnh: Lê Thọ