Niềm vui gặp lại bạn trong ngày tựu trường. Ảnh: Võ Nhân
Ngày trước, không có chuyện học sinh đi học trước ngày khai giảng. Mấy năm gần đây, với nhiều lý do, học sinh các cấp ở bậc phổ thông đến trường tập trung và học sớm hơn. Học trước hơn 10 ngày, với các trường chuyên có nơi học trước hơn 1 tháng rồi mới làm lễ khai giảng. Đó là một trong những nguyên nhân để ngày khai giảng không còn là ngày đầu tiên đi học sau 3 tháng hè và cũng vì thế dư luận lên tiếng nhiều về sự mất hết ý nghĩa đích thực của ngày này. Học trước, khai giảng sau, cái không khí náo nức vì mọi thứ đều mới, niềm háo hức vì được gặp lại thầy cô, bè bạn, tâm trạng hồi hộp chờ đợi xem thầy cô nào dạy lớp mình môn này, môn khác...không còn. Ngày khai giảng vì thế đối với học trò hôm nay đâu còn là ngày tinh khôi hấp dẫn nhất trong năm học mới. Lại nữa, lễ khai giảng diễn ra ở rất nhiều trường quá nghiêng về hình thức, phô diễn.
Ngày tựu trường. Ảnh: Võ Nhân
Chị Hà Thanh, một phụ huynh có con đi học, kể: Tôi có thời gian công tác tại nước ngoài, con tôi cũng học ở nước ngoài những năm đầu tiểu học. Ấn tượng về ngày khai giảng của con tôi thật sâu sắc. Khi tôi và nhiều phụ huynh khác đưa con đến trường, toàn bộ thầy cô giáo của trường đã đứng hai bên cổng trường từ rất sớm, đứng đầu là thầy hiệu trưởng. Mỗi cháu bé bước vào cổng trường đều nhận được tiếng vỗ tay. Cô giáo chủ nhiệm đích thân đón từng học sinh vào lớp. Khi chuyển trường cho con về Việt Nam, năm đầu tiên tôi thật sự sốc khi không phải thầy cô đứng đón các con trong lễ khai giảng mà ngược lại, học sinh phải đến rất sớm để xếp hàng chờ đón đại biểu. Nhân vật chính của lễ khai giảng không phải học sinh cũng không phải thầy cô giáo mà là khách mời”. Người viết bài này có dịp gặp gỡ nhiều học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố Huế để tìm hiểu tâm lý đón nhận ngày khai giảng năm học mới của các em. Thật buồn khi phần lớn các em bày tỏ bản thân không cảm thấy hào hứng, háo hức và yêu thích với lễ khai giảng với nhiều lý do. Trên diễn đàn giáo dục, nhà giáo ưu tú Văn Như Cương bày tỏ: “Hiện lễ khai giảng của nhiều trường vẫn mang tính hình thức, vì thế khiến học sinh nhàm chán và không hứng thú với buổi lễ này. Nhiều người nói, giờ học sinh không còn hồi hộp, háo hức chờ đến ngày khai giảng. Tôi cho rằng, quan trọng là cách tổ chức, phải tổ chức làm sao cho lạ, khiến các em cảm thấy thích thú, các em vừa thấy ý nghĩa, lại được chơi”.
Ngày 12/8/2015, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014- 2015 của Bộ Giáo dục- Đào tạo, sau khi nêu nhận xét về thực tế tổ chức lễ khai giảng nhiều năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, cả nước nên chọn chỉ khai giảng trong một ngày, mồng 4 hoặc mồng 5 và nhấn mạnh: “Lễ khai giảng chỉ cần những nghi lễ cần thiết như chào cờ, nếu được thì cả nước có thể cùng làm một lúc, đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn... Còn lại là phần hội cho học sinh. Tinh thần tất cả vì học sinh”. Lời đề nghị này của Phó Thủ tướng đặc biệt được dư luận quan tâm, đồng tình trong năm học trước. Với tinh thần đổi mới theo quan điểm chủ nhân ngày khai giảng phải là của học sinh, hy vọng năm học 2016-2017 này, ngày khai giảng của các trường học trên khắp cả nước sẽ diễn ra vui tươi, sinh động, có ý nghĩa thiết thực đối với cả thầy và trò...
Trần Văn Toản