|
Trao giải của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2015-2016
|
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng ban Tổ chức, Phó Chủ tịch Hội đồng giám khảo (HĐGK) cho biết, chất lượng chung rất đáng mừng. Ông nói: “Nhiều đề tài đã bật lên một cách bất ngờ. Ví dụ, đề tài “Bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Tà ôi hướng đến phát triển du dịch về nguồn” của nữ sinh Khánh Huyền, lớp 12 Trường THPT A Lưới, đã làm giám khảo đặc biệt chú ý”. Khánh Huyền bộc bạch: “Em bắt tay vào thực hiện đề tài từ tháng 6/2015. Quá trình nghiên cứu giúp em hiểu thêm về văn hóa dân tộc Tà ôi. Càng hiểu biết sâu về văn hoá dân tộc, em càng khát khao đem những hiểu biết san sẻ cho bạn bè.” Quan tâm đến phát triển văn hoá của vùng quê A Lưới, Huyền còn nắm bắt được nhu cầu quảng bá du lịch của A Lưới. Cô nữ sinh đã biết vận dụng sáng tạo kiến thức với nhu cầu để tạo nên một công trình mà theo đánh giá của HĐGK, có giá trị thực tiễn ngay.
Ở nhiều lĩnh vực, HĐGK đánh giá cao tính mới, tính cấp thiết của một số đề tài. Mừng là có cái mới trong những đề tài cũ nhờ cách đề xuất giải pháp xử lý, như đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm nấm mốc Aspergillus Oryzae để xử lý bóc vỏ tiêu đen thành tiêu sọ” của học sinh Trường chuyên Quốc Học; “Mô hình điện truyền không dây và ứng dụng để làm bộ sạc điện thoại không dây” của học sinh Trường THPT Vinh Xuân xã Vinh Xuân (Phú Vang)... Bên cạnh đó, còn có đề tài mang tính nhân văn cao như “Găng tay thông minh dành cho người khiếm thị” của học sinh Trường THPT Phú Bài.
|
Những nhà khoa học Trẻ trường THPT Lâm Mộng Quang bên gian hàng trưng bày đề tài
|
Năm nay, những đề tài đạt giải đã đặc biệt nghiêng về giá trị ứng dụng, vào sản xuất phục vụ đời sống dân sinh. Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Chủ tịch HĐGK phát biểu: “Sản phẩm thể hiện sự nỗ lực tìm tòi và say mê sáng tạo hướng tới phục vụ dân sinh cao của học sinh; cho thấy các em biết ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả”. Điều này thể hiện rõ qua đề tài “Dùng giọng nói để điều khiển và giám sát hệ thống nhà ở” của học sinh Trường THPT An Lương Đông, “Sản phẩm làm đẹp da tuổi dậy thì từ nước vo gạo và tinh chế dầu quế” của học sinh Trường THCS Duy Tân.
Chỉ mới hơn 5 năm đưa vào trường học, NCKH của học sinh toàn tỉnh đã phát triển vượt bậc. Năm đầu phát động (2009-2010), toàn tỉnh chỉ có 15 đề tài dự thi. Năm học 2014-2015, cuộc thi đã thu hút 58 đề tài. Năm nay, ngay về số lượng cũng đã là một vụ bội thu với 98 đề tài của 57 đơn vị. Các đề tài không tập trung ở khu vực các trường trung tâm, mà trải rộng tới vùng cao, vùng sâu. Trường THPT A Lưới mới tham gia lần hai nhưng cả hai lần đều có giải rất cao. NCKH cũng không “độc quyền” của học sinh THPT mà phát triển mạnh ở khối THCS với 27/57 trường tham gia. Học sinh Trường THCS Duy Tân (Huế) lần đầu tham gia đã tạo được bất ngờ với BGK về tính sáng tạo gắn với thực tế ứng dụng, đã đưa các em đến với phần thưởng. Mới đi vào hoạt động, Trường THPT Thuận Hoá cũng đã tham gia 2 đề tài.
Tuy nhiên, đi sâu vào sân chơi này, chúng tôi thấy rõ sự lúng túng ở một số đơn vị. Vấn đề của các “nhà khoa học trẻ” trong học đường vẫn là sự quan tâm của giáo viên, đặc biệt là các ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn. Bên cạnh những trường đã biến phong trào NCKH thành một lĩnh vực giáo dục khoa học bổ ích, thì nhiều đơn vị vẫn hưởng ứng phong trào theo kiểu đối phó. Không ít nơi, giáo viên và học sinh tự mày mò làm khoa học đồng thời mày mò kiếm tìm kinh phí, bí quá thì bỏ..