Trước khi viết bài báo khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên phải làm nghiên cứu
“Đứa con” tinh thần
TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Đại học (ĐH) Huế nửa đùa, nửa thật: “Em làm báo, anh cũng viết báo, nhưng mỗi bài báo của anh có khi cả tháng mới xong”. Gặng hỏi, anh Huy tiết lộ: “Đó là những bài báo khoa học từ những công trình nghiên cứu và được xuất bản quốc tế”.
38 tuổi, 14 năm công tác chuyên môn, TS. Nguyễn Đức Huy có đến 30 bài báo được xuất bản trên các tạp chí uy tín của quốc tế. Hành trình để “ra lò” một bài báo xuất bản quốc tế có một số điểm tương đồng với công việc của phóng viên, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt xen lẫn thú vị.
Gắn liền với công trình nghiên cứu nên bài báo khoa học đặt nặng tính logic hơn văn chương. Đề tài nghiên cứu đòi hỏi tính mới, đồng nghĩa bài báo khoa học cũng có tính thời sự, nhưng chuyên sâu chứ không dừng lại ở việc phản ánh thông tin kịp thời. Ví như bài báo quốc tế 2021 “Nghiên cứu đặc điểm laccase tái tổ hợp từ Fusarium oxysporum HUIB02 ứng dụng loại bỏ thuốc nhuộm” đăng trên tạp chí Biochemical Engineering Journal (Nhật Bản) của nhà xuất bản Elservier thuộc danh mục WoS (SCIE), TS. Nguyễn Đức Huy hướng đến ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải có thuốc nhuộm. Việc tạo ra công nghệ mới xử lý ô nhiễm môi trường vẫn là đề tài “nóng” trong xã hội hiện đại.
Thông thường, người làm nghiên cứu phải hoàn thành quá trình nghiên cứu mới đặt bút viết bài báo khoa học, có khi phải mất cả vài năm từ khi “thai nghén” ý tưởng. Nhiệm vụ quan trọng là phải xử lý số liệu chính xác đảm bảo mặt khoa học.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường ĐH Nông Lâm, người đã có khoảng 40 bài báo xuất bản quốc tế (tác giả hoặc đồng tác giả), so sánh: “Nếu phóng viên các cơ quan báo chí dùng nghiệp vụ để khai thác thông tin, nắm bắt sự kiện thì tác giả của những bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế phải chủ động làm nghiên cứu tìm ra kết quả, thể hiện nhận định trên cơ sở khách quan của kết quả nghiên cứu, họ là người tạo ra sự kiện, từ chính công trình nghiên cứu của mình”.
Mỗi tạp chí có những yêu cầu riêng nên người viết bài báo khoa học phải tìm cách để “hợp gu”. Tạp chí càng uy tín, yêu cầu chất lượng và các tiêu chí càng khắt khe. Dung lượng các bài báo phụ thuộc từng tạp chí, có khi chỉ vài trang nhưng cũng có bài báo viết hơn 20 trang.
Những cán bộ, giảng viên đã quen với “nghiệp cầm bút” viết bài báo khoa học khẳng định, từng bài báo là từng đứa con tinh thần. Như cách nghĩ của PGS.TS. Bùi Đình Hợi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm, việc xuất bản bài báo giúp cho kết quả nghiên cứu có thể được tiếp cận bởi các độc giả và nhà nghiên cứu. Thành tích công bố bài báo khoa học còn là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ ảnh hưởng và vị thế của mỗi nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu, nên phải “chăm chút” cho đứa con tinh thần của mình.
Đầu tư cho nghiên cứu mất nhiều thời gian và công sức, nhưng để bài báo được xuất bản quốc tế, khi gửi đến các tạp chí uy tín còn trải qua quá trình phản biện độc lập với yêu cầu khắt khe. Ngoài việc chọn những lát cắt là kết quả nổi trội và giới thiệu được tính mới, tầm quan trọng của nghiên cứu, người viết phải có kỹ năng “cầm bút” và trình độ ngoại ngữ. Cũng bởi những yêu cầu cao, không phải tác giả nào gửi bài cũng được chấp thuận. Đôi khi câu chuyện “trả lại người gửi” cũng y hệt quy trình của những người làm trong nghề báo. Còn với những chuyên gia đã có nhiều kinh nghiệm, bí quyết để có những bài xuất bản quốc tế không nằm ngoài đam mê và kiên trì.
Không dừng lại ở kết quả nghiên cứu
Năm 2020, cán bộ, giảng viên của ĐH Huế đóng góp 416 bài trên danh mục Scopus, 387 bài trên danh mục WoS (Web of Science). Riêng đến đầu tháng 5, ĐH Huế cũng có đến 152 bài trên danh mục Scopus và 93 bài trên WoS. Số lượng bài báo lớn không chỉ đáp ứng mục tiêu tăng các công bố xuất bản quốc tế, qua đó tăng thứ hạng của ĐH Huế trên bảng xếp hạng quốc tế và hướng đến thực hiện các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà qua đó còn mang lại những giá trị cho thực tiễn.
Trên các tạp chí khoa học thuộc các danh mục quốc tế uy tín như WoS, Scopus năm 2020, có thể tìm thấy ít nhất 15 công bố liên quan đến COVID-19 của các nhà khoa học ĐH Huế, đơn cử PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, GS.TS. Dương Tuấn Quang cùng nhóm tác giả thuộc Khoa Hóa của Trường ĐH Khoa học và Trường ĐH Sư phạm với các nghiên cứu về đánh giá khả năng ức chế virus SARS-CoV-2 của các hợp chất tự nhiên và tổng hợp sử dụng phương pháp mô phỏng; PGS.TS. Võ Văn Thắng và các cộng sự ở Khoa Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Dược với các nghiên cứu điều tra và đề xuất biện pháp phòng, chống COVID-19 cho cộng đồng ở Việt Nam và các nước có thu nhập thấp và trung bình…
Những bài báo khoa học chất lượng lại trở thành đề tài cho báo chí khai thác hoặc cung cấp những số liệu, tư liệu khách quan giúp cho những bài báo thời sự khai thác phục vụ nhu cầu bạn đọc. Nhiều nhà nghiên cứu bật mí, đã không ít lần các nhà báo “chạm” đến những vấn đề lớn, ý kiến từ chuyên gia lại trở thành điểm quan trọng cho bài báo của họ. Nhờ có những nghiên cứu và bài báo khoa học đã giúp ích cho thành công của những tác phẩm báo chí về độ tin cậy, xác thực thông tin…
Chuyện của những cán bộ, giảng viên làm nghiên cứu khá thú vị và việc sắm vai người cầm bút là một trong số ấy. Mỗi lần “đứa con tinh thần” được xuất bản quốc tế là một lần họ lại reo vui sau chặng đường dày công nghiên cứu. Vui mừng ấy không chỉ dừng lại vì kết quả nghiên cứu thành công mà đằng sau là những đóng góp lớn hơn, bao gồm cả việc cùng với báo chí góp tiếng nói hướng đến những tiến bộ hơn trong đời sống hiện đại.
Bài, ảnh: Hữu Phúc