ClockThứ Hai, 29/12/2014 15:23

Nguyễn Văn - dòng họ khuyến học

TTH - Xuất phát từ mong muốn con cháu học hành thành tài, năm 2003, các vị lớn tuổi trong dòng họ Nguyễn Văn, thôn Thuận Hóa, làng An Nong, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) thành lập chi hội khuyến học.

Các vị sáng lập ra Chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Văn bàn cách để giúp con cháu học tập

Nhiều việc làm ý nghĩa

Nhận thấy cuộc sống lao động mưu sinh ở các làng quê nghèo gian khó, vừa vất vả nhưng lại không đủ ăn khiến nhiều bậc lớn tuổi trong dòng họ Nguyễn Văn (thôn Thuận Hóa) trăn trở. Họ đã ngồi lại bàn bạc với nhau về việc thành lập chi hội khuyến học, kích thích con cháu chịu khó phấn đấu. Sau khi thống nhất ý kiến, cuộc vận động con cháu được mở ra để tạo quỹ, thấy việc làm đúng đắn, các gia đình lớn nhỏ đều nghe theo.
Lần vận động đầu tiên được 6 triệu, lập thành Sổ vàng - Quỹ khuyến học dòng họ Nguyễn Văn. Qua các năm, con cháu trong dòng họ tự nguyện đến đóng góp. Đến nay, số tiền tồn quỹ lên đến 70 triệu đồng, dành gửi ngân hàng lấy lãi cho những hộ nghèo trong họ tộc có con em đi học vay không tính lãi. Hằng năm, chi hội bỏ ra đến 30 triệu đồng để làm lễ báo công tổ tiên và phát thưởng cho các em trong dòng họ.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Chi hội trưởng chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Văn, cứ vào khoảng rằm tháng 6 âm lịch hằng năm, dòng họ lại tổ chức liên hoan phát thưởng cho những con cháu đỗ đạt và học giỏi. Những người đỗ đại học, cao học, nghiên cứu sinh sau khi ra trường cũng được khen thưởng lần hai có giấy khen và tiền thưởng được quy định rõ ràng. (Học sinh giỏi 150.000 đồng, đỗ đại học 400.000 đồng, ra trường 500.000 đồng; cao học 600.000 - 700.000 đồng, nghiên cứu sinh 800.000 - 1.000.000 đồng).
Chi hội khuyến học dòng họ còn giúp đỡ những con em học sinh nghèo bằng nhiều hình thức: hỗ trợ học phí một phần hoặc toàn phần, tặng dụng cụ học tập, áo quần xe đạp, phương tiện đi học,…để các em yên tâm đến trường.
Chi hội cũng lưu tâm đến việc phụ đạo thêm kiến thức cho các em học sinh. Bằng cách nhờ con cháu trong họ là giáo viên mở thêm các lớp dạy miễn phí cho những học sinh có sức học chưa tốt, nhiều em lấy lại căn bản, vươn lên trong học tập. Các thành viên trong chi hội thường xuyên đến tận các gia đình để xem xét tình hình học tập; đồng thời, lồng ghép trong các dịp kị giỗ nhắc nhở động viên phụ huynh quan tâm con cái hơn trong việc học.
Chi hội còn quan tâm đến vấn đề khuyến tài. Với những em do điều kiện khách quan không thể tiếp tục theo học, chi hội đến hỏi cặn kẽ nguyên nhân, sở thích và tư vấn học nghề, nhờ những con cháu trong họ giúp đỡ, tìm đầu ra công việc cho các em. Chi hội cũng tổ chức phát thưởng, khuyến khích con cháu trong họ chăm lo học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân.
 
Thành quả đáng mừng
Ông Nguyễn Văn Thích, Trưởng họ Nguyễn Văn tâm sự, “Năm học 2013-2014, có 111 suất phần thưởng được trao. Điều đáng mừng là, số lượng học sinh giỏi nhiều hơn tiên tiến. 84 em học sinh thì đã có 59 người đạt học lực giỏi”, ông Hạnh vui mừng.
Cũng nhờ công tác khuyến học tốt, tinh thần vượt khó của nhiều em rất đáng khích lệ. Dòng họ có khoảng 15 em đạt 6 năm giỏi liên tục. Nhiều người đỗ đạt cao trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, thậm chí là phó giáo sư, tiến sĩ đã quay lại giúp con em trong dòng họ và địa phương phát triển giáo dục, ủng hộ công tác khuyến học. Những học sinh trước đây có học lực trung bình yếu cũng tự phấn đấu vươn lên, được ban giám hiệu các nhà trường đánh giá cao.
Theo ông Hạnh, điều đáng mừng là dòng họ đã thực hiện tốt công tác vận động tuyên truyền, đến nay không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, không có con cháu sa vào tệ nạn xã hội, không để xảy ra học sinh cá biệt và ở lại lớp.
Ông Bạch Văn Đức, cán bộ văn hóa thông tin xã Lộc Bổn phụ trách công tác khuyến học thừa nhận: “Đây là chi hội tiêu biểu nhất của xã, thực hiện công tác khuyến học có chiều sâu.”
Những nỗ lực trong công tác khuyến học của dòng họ Nguyễn Văn đã được Hội khuyến học tỉnh, UBND và hội khuyến học huyện, xã ghi nhận và khen thưởng. “Họ Nguyễn Văn thôn Thuận Hóa có bề dày trong việc quan tâm giúp đỡ con cháu học hành, trở thành một mô hình hay, góp phần cùng các cơ quan ban ngành thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục”, thầy Nguyễn Sáu, Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học huyện Phú Lộc nhận định.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Chuyện nghề của những cô giáo mầm non

Làm cô giáo mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy trải qua biết bao câu chuyện buồn vui. Thật sự yêu nghề, mến trẻ bằng tất cả cái tâm sáng trong của một người mẹ thì các cô mới có thể làm tròn sứ mệnh của mình.

Chuyện nghề của những cô giáo mầm non
Return to top