Chuyện bây giờ mới kể
Sáng 2-11-1999, tôi lội bộ đến Ban chỉ huy PCBL tỉnh tại Bưu điện tỉnh. Một thông tin làm cho ai nấy đều bàng hoàng: 57 học sinh và hai thầy giáo Trường THCS Hương Thọ đang vật lộn trong lũ, tính mạng bị đe dọa.
|
Cách đây 15 năm tại ngôi trường này, 57 học sinh đã bị mắc nạn do lũ
|
Sáng 4-11, theo ca nô của bộ đội biên phòng tôi vượt lũ lên thượng nguồn sông Hương cứu trợ đồng bào đang bị chìm ngập trong nước lũ.
Trên ca nô đã thấy Quý Hòa, phóng viên Đài truyền hình Việt Nam tại Huế, Thanh Hà phóng viên của Báo Hoa học trò và vài chiến sĩ Hải đội 2 và Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trung tá Trần Đức Đơn. Mọi người khoác áo phao và đứng vịn lan can, chỗ ngồi dành cho mì tôm, cơm nắm, lương khô và nước uống. Ca nô nhanh chóng ngược dòng hướng về thượng nguồn nơi 57 học sinh đang lâm nạn.
Nhìn thấy ca nô, hàng chục người dân thôn La Khê Bãi, già có, trẻ có, phụ nữ, trẻ em từ trên mấy mô đất nhô cao ào xuống trong làn nước cuồn cuộn đục ngàu và lạnh giá. Nhiều người không ngần ngại dòng nước xiết và giá lạnh, cố lội ra mong được gần hơn một chút để tiếp cận ca nô cứu trợ. Một cụ già nước ngập gần đến cổ vừa bắt được gói mì, không kịp bóc đã đưa lên miệng nhai ngấu nghiến, mặc cho nước lũ ghềnh lên tràn cả vào miệng. Tôi đưa máy ảnh lên bấm liên tục mà tay run bần bật, không cầm được nước mắt. Chính hình ảnh này đã được thu vào máy quay của Qúy Hòa, phát trên Đài Truyền hình Việt Nam gây xúc động cả nước và bạn bè quốc tế. Sau này chúng tôi mới hay, cụ là Hoàng Ngọc Dân, làm nghề xe ôm ở ngã ba Tuần (Huế), đã bốn ngày cụ chịu đói, khát, rét trong lũ.
Đến La Khê Trẹm, nơi có ngôi trường với 57 học sinh đang mắc lũ, ca nô không di chuyển được nữa bởi rất đông người dân vây quanh. Tôi cùng với Trung tá Trần Đức Đơn lên được một chiếc ghe nhỏ cùng với mấy thùng mì tôm và nước uống, nhờ một người dân dẫn lối đến trường. Chiếc ghe nhỏ luồn lách dưới tán cây được trăm mét, bỗng nghe tiếng “bục” và nước ùa vào. Thì ra chiếc ghe lâu ngày không dùng nên bị mục bên mạn sườn. Sau một hồi hì hục tát nước ra, người bơi ghe nói với chúng tôi: giờ thì chỉ được đi một người thôi. Nặng thêm tí là chìm ghe liền”. Anh Đơn nói với tôi: “Thôi… ưu tiên cho anh đi để có thông tin”.
Chiếc ghe nhỏ chậm rãi, vạch cả gai góc, luồn lách dưới những tán cây sà trước mặt. Lủng lẳng trên cành cao là những chiếc bàn ghế học sinh bị lũ cuốn trôi. Cuối cùng thì tôi cũng đã được giáp mặt ngôi trường, chứng kiến cảnh tan hoang dập dềnh trên sóng nước. May mà các em đã kịp thoát. Chỉ cần chậm chân chút đỉnh thì tính mạng của 57 em nhỏ sẽ chịu chung số phận như những chiếc ghế đang chỏng chơ trên ngọn cây kia…
Trở lại
Từ Huế, tôi đi xe máy ngược lên ngã ba Tuần tìm đường đến Trường THCS Hương Thọ. Con đường rải nhựa từ Huế đến ngã ba Tuần đã trở thành con đường du lịch dập dìu du khách. Tôi đang loay hoay tìm nơi gửi xe để xuống đò sang bên kia làng Hải Cát (La Khe Trẹm), thì cô gái bán hàng nhanh nhảu: “Chú ơi, cứ đi thẳng, cách đây khoảng cây số có cầu phao, cứ thế qua, không phải đi đò mô!”.
Trường THCS Hương Thọ tọa lạc ở vùng đất chẳng khác gì một ốc đảo, là nơi hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch - đầu nguồn sông Hương. Chính vì vậy, khi có lũ trường hoàn toàn bị cô lập.
Sau sự cố 57 học sinh mắc lũ năm 1999, giấc mơ về một chiếc cầu càng trở nên cháy bỏng. Năm 2002, một cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, dài gần nửa cây số sừng sững vươn vài nối liền đôi bờ thay thế cho những chuyến phà Tuần. Cùng với cầu Tuần, công trình thế kỷ hồ Tả Trạch, có tác dụng ngăn lũ đã trở thành vị cứu tinh cho vùng đất “ốc đảo” này. Không dừng lại ở đây, một chiếc cầu hiện đại nữa cũng sắp hoàn thành, bắc qua dòng Hữu Trạch, nối liền La Khê Bãi và La Khê Trẹm, chấm dứt vĩnh viễn sự chia cắt đối với một vùng đất đã hàng chục thế kỷ nay phải sống trong lo âu và thấp thỏm vì bão lụt.
Trường THCS Hương Thọ giờ đây đã có tên mới, Trường THCS Tôn Thất Bách. Trường hiện có thêm cơ sở 2 thật khang trang, mặt tiền hướng ra QL49, được đưa vào sử dụng tháng 12-2011. Cơ sở 1 ở La Khe Trẹm, sau lũ 1999 cũng đã được xây mới hai tầng. Hôm gặp, thầy hiệu trưởng Hoàng Đình Thống giới thiệu với tôi: “Các em học sinh hai lớp 9 cuối cấp sinh năm 1999 cả đó anh ạ. Có em còn sinh trong ngày cận kề trước và sau lũ nữa… Sau lũ 1999, hễ thấy trời đổ mưa là học sinh không dám tới lớp. Những năm trước số học sinh bỏ học bằng sĩ số một lớp. Bây giờ thì hết rồi, cả năm lác đác chỉ có hai đến ba em bỏ học vì hoàn cảnh đặc biệt mà thôi”.
Tôi dạo quanh một vòng, tham quan các phòng chức năng: Tin học, Lý, Hóa công nghệ, Anh ngữ… Các phòng đều được kết nối Interrnet và mạng không dây. Chất lượng dạy và học ở Trường THCS Tôn Thất Bách nổi bật ở chỗ rất đồng đều. Tỷ lệ học sinh yếu, kém về đạo đức, văn hóa không còn. Năm học 2013-2014, qua xếp loại học tập, nhà trường có 45,6% học sinh đạt khá và giỏi. Trong số các em sinh năm 1999, có Mai Văn Thưởng là học sinh giỏi cấp Quốc gia, tấm gương tiêu biểu về học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Trong số 33 giáo viên nhà trường, có 9 thầy cô giáo đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và cấp thị xã. Những thầy cô giáo Trịnh Đức Việt, Hồ Hữu Hảo, Nguyễn Minh Đăng, Nguyễn Thị Ty Ny, Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trương Ngọc Khánh, Nguyễn Phú Bình, Nguyễn Thị Lệ… là những điển hình trong đội ngũ giáo dục của nhà trường, kết nên một tập thể lao động xuất sắc trong năm học 2013-2014.