ClockThứ Bảy, 07/09/2024 13:12

Phát huy đào tạo tiến sĩ, gỡ khó cho đào tạo thạc sĩ

TTH - Số lượng nghiên cứu sinh (NCS) đăng ký học tiến sĩ tại Đại học Huế tăng mạnh thời gian qua. Điều này đã góp phần giúp Đại học Huế thăng hạng trên các bảng xếp hạng đại học thế giới.

Hướng tới mục tiêu tốp 300 đại học tốt nhất châu ÁThích ứng để hướng đến Đại học Quốc gia

 Trường đại học Ngoại ngữ trao bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh

Tăng mạnh ở đào tạo tiến sĩ

TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế thông tin, từ đầu năm đến tháng 8/2024, Đại học Huế tiếp nhận tổng cộng hơn 150 hồ sơ NCS đăng ký học tiến sĩ. Nửa cuối năm, hồ sơ NCS đăng ký thường sẽ nhiều hơn so với đầu năm. Vì vậy, khả năng trong năm 2024 này, Đại học Huế sẽ tuyển sinh được từ 220 – 250 NCS. Đây là con số rất ấn tượng so với trước đó, khi vào năm 2022, Đại học Huế tiếp nhận tổng cộng 96 hồ sơ NCS. Năm 2023 là 160 hồ sơ.

“Các hồ sơ NCS đăng ký nhiều nhất là ở các khối ngành sức khỏe, giáo viên, cơ bản, kinh tế và du lịch. Đây là những ngành mà xã hội đang rất quan tâm. Một số lĩnh vực là xu hướng phát triển, các địa phương đều cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu, đảm nhận ở những vị trí quan trọng. Hay ở các cơ sở giáo dục, các tổ chức, các doanh nghiệp hiện nay đều gia tăng nhu cầu về đội ngũ nhân lực có chất lượng cao”, TS. Lê Văn Tường Lân đánh giá.

Là đơn vị có số lượng NCS đăng ký nhiều trong năm 2024, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế cho hay, trường đang đào tạo 7 chuyên ngành tiến sĩ. Trong năm 2024, trường cũng đã trao bằng cho 14 tân tiến sĩ ở cả 7 chuyên ngành. Riêng Nhi khoa và Khoa học y sinh là hai ngành có NCS tốt nghiệp tiến sĩ đầu tiên kể từ khi mở ngành. Trước nhu cầu về học tiến sĩ Răng - Hàm - Mặt và Điều dưỡng tăng, nhà trường gấp rút hoàn thiện quy trình để sớm mở thêm hai ngành đào tạo tiến sĩ này.

 Các tân tiến sĩ y học được Trường đại học Y - Dược trao bằng trong năm 2024

Đối với cơ sở giáo dục đại học, đào tạo sau đại học có vai trò quan trọng không kém so với đào tạo đại học. Đối với một số trường, tuyển sinh đại học một số ngành đang gặp khó, tuy nhiên tuyển sinh sau đại học lại thuận lợi, nhất là tiến sĩ. Điều này góp phần cân bằng và duy trì tốt hoạt động của trường.

Như tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuyển sinh sau đại học ở nhà trường thời gian qua đang rất tốt. Nhà trường triển khai đào tạo 16 ngành tiến sĩ, 23 ngành thạc sĩ, với quy mô gần 600 học viên cao học (thạc sĩ) và gần 80 nghiên cứu sinh (tiến sĩ) đang theo học tại trường. Năm 2024, trường cũng đã trao bằng cho 12 tân tiến sĩ và 113 tân thạc sĩ. Vì vậy, trong thời gian đến, nhà trường tiếp tục triển khai các giải pháp để đưa đào tạo sau đại học là lĩnh vực mũi nhọn.

Theo lãnh đạo Đại học Huế, việc thu hút tốt các NCS ở bậc đào tạo tiến sĩ là chỉ số quan trọng giúp Đại học Huế thăng hạng trên các bảng xếp hạng đại học uy tín trong nước và thế giới thời gian qua. Điều này cũng khẳng định chất lượng đào tạo sau đại học nói chung và bậc tiến sĩ nói riêng của Đại học Huế.

Gỡ khó cho đào tạo thạc sĩ

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, hồ sơ học viên đăng ký học thạc sĩ vào trường rất lớn, nhưng theo quy định đầu vào của thạc sĩ phải có ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam, nên các học viên không đủ điều kiện, dẫn đến tuyển sinh khó. Trong đợt 1 tuyển sinh cao học thạc sĩ năm 2024, nhà trường chỉ tuyển sinh được 26 học viên, con số thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Theo TS. Lê Văn Tường Lân, việc tuyển sinh thạc sĩ gặp khó là thực tế chung của cả nước, chứ không riêng Đại học Huế. Theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường không bị giới hạn số lần tuyển sinh trình độ thạc sĩ trong năm; cho phép các trường tuyển sinh bằng thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp 2 hình thức. Tuy nhiên, về điều kiện đầu vào, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam. Đây là điều kiện khó nhất đối với tất cả các hồ sơ thạc sĩ đăng ký vào Đại học Huế thời gian qua.

“Là đại học vùng, theo quy định Đại học Huế có thể tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào thay cho chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3. Tuy nhiên, một điều kiện khó nữa liên quan đến ngoại ngữ là chuẩn đầu ra. Để có thể tốt nghiệp, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ, tăng 1 bậc so với đầu vào. Thời gian đào tạo thạc sĩ khoảng 2 năm, trong khi đa số người học thạc sĩ là vừa học vừa làm, nên để cải thiện năng lực ngoại ngữ từ bậc 3 lên bậc 4 là điều không dễ dàng. Vì vậy, rất nhiều học viên tỏ ra dè dặt khi học thạc sĩ”, TS. Lê Văn Tường Lân phân tích.

Trước những khó khăn về điều kiện ngoại ngữ đầu vào lẫn đầu ra, Đại học Huế cho biết, sẽ có những định hướng sớm đối với các sinh viên đại học. Đối với những sinh viên có định hướng tiếp tục học thêm thạc sĩ và tiến sĩ sau khi tốt nghiệp đại học, ngay từ học đại học cần rèn luyện ngoại ngữ, đạt các yêu cầu về chuẩn đầu vào. Đối với đầu ra, Đại học Huế sẽ chủ động trong chương trình đào tạo, tạo điều kiện để học viên thuận lợi học song song để nâng chuẩn ngoại ngữ. Đại học Huế cũng sẽ chủ động có các chính sách học bổng cho học viên học tập tốt. Có chế độ khen thưởng cho học viên có bài báo, đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao; qua đó, giúp các học viên yên tâm học tập…

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dinh dưỡng với nhiễm trùng và tăng trưởng”

Ngày 13/9, Hội Dinh dưỡng Việt Nam phối hợp với Trường đại học Y - Duợc, Đại học Huế tổ chức hội nghị khoa học dinh dưỡng khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ IV, năm 2024 với chủ đề “Dinh dưỡng với nhiễm trùng và tăng trưởng”.

“Dinh dưỡng với nhiễm trùng và tăng trưởng”
Return to top