ClockThứ Tư, 17/11/2021 15:12

Quản học sinh chơi game khi học trực tuyến

TTH - Sau 2 năm học online, nhiều phụ huynh than vãn, con họ đã trở thành game thủ, thậm chí nhiều gia đình cảm thấy bất lực khi có em cả ngày vùi đầu vào game online.

Net “chui”- cần xử lý nghiêmHãy là một người trẻ thông minh, chơi "game" chuẩn mực

Phụ huynh cần quản con trong khi học online (ảnh minh họa)

Nỗi lo từ ý thức học sinh

Sau một tuần học online, chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) nhắn tin cho cô giáo, khi phát hiện cậu con trai lớp 5 của mình, lúc nào trên máy tính cũng có 1 tab (cửa sổ ứng dụng) học của cô, 1 tab nghe nhạc, 1 tab chat (nói chuyện riêng với bạn), 1 tab "cày" game online, trong khi phụ huynh không thể nhắc nhở hằng ngày. Mặc dù ngày nào con chị cũng điểm danh đầy đủ nhưng cháu vừa học online vừa chat, vừa chơi game. Giờ nghỉ giữa tiết con cũng chơi game, hết giờ học con cũng chơi game. Thằng bé lén tải rất nhiều trò chơi điện tử, mải chơi đến mức không cần ăn. Tôi không biết phải xử lý thế nào trong khi vẫn phải giao máy cho con để ở nhà học”, chị Hạnh lo lắng.

Theo nhiều giáo viên, cô giáo luôn yêu cầu học sinh tắt micro, bật camera, nhưng một vài em không bật camera. Tùy vào thiết bị, khi học sinh chơi game trong giờ học, camera sẽ tắt. Cô Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh cho biết: Quy định dù chặt đến đâu thì với lớp học trực tuyến, giáo viên khó có thể kiểm soát hết, nhất là khi đường truyền không ổn định, nhiều em bị thoát ra. Do đó, rất cần sự hỗ trợ, giám sát của phụ huynh vì khi các em được giao thiết bị để học tập có thể dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hoặc truy cập các ứng dụng khác nhà trường không nắm bắt được.

Tiếp cận với máy tính thời gian dài, không ít học sinh tìm đến game online kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí mất kiểm soát dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Một bà mẹ trẻ có con học lớp 6 than vãn, từ ngày con có điện thoại thông minh học online, cậu bé dường như cứ chăm chú vào điện thoại, bỏ bê chuyện học. Cứ rời học là con chị lại ôm ipad, dù có nhắc nhở thường xuyên nhưng không phải lúc nào vợ chồng chị cũng kè kè bên con được. Liên tục trong nhiều tháng nên con chị mệt mỏi.

Có lẽ, đây là tình trạng chung của nhiều gia đình khi con phải học trực tuyến kéo dài và được trao quyền sử dụng các thiết bị công nghệ. Trên nhiều diễn đàn, cha mẹ lo lắng và chia sẻ rằng, sau thời gian học trực tuyến, con họ đã trở thành game thủ, thậm chí nhiều gia đình lo sợ sẽ "mất con" khi những đứa trẻ này cả ngày vùi đầu vào game.

Trường khó kiểm soát

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Cao Vân, Trần Lan Phương chia sẻ, từ sau đợt học trực tuyến năm ngoái, tất cả học sinh đến lớp đều sử dụng điện thoại thông minh. Các em có thể tra học liệu phục vụ học tập, nhưng cũng có thể sa bẫy tin xấu, web đen. Trường đã có nội quy, yêu cầu giáo viên siết kỷ luật, tăng tương tác, hỏi bài để tất cả học sinh trong lớp không bị bỏ rơi. Chẳng hạn, trong giờ dạy, giáo viên ra những câu hỏi, gọi tên bất ngờ, học sinh không trả lời hoặc mất tập trung sẽ bị nhắc nhở.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc cha mẹ cấm đoán sẽ càng tăng gây những tâm lý phản kháng, khó chịu, giận dỗi... Vì thế, phụ huynh phải đưa ra những nguyên tắc về thời gian biểu trong ngày. Giờ nào học trực tuyến, giờ nào tự học, giờ nào chơi, giờ nào ăn, ngủ nghỉ. Cha mẹ không nên cấm đoán, la mắng con khi con sa đà vào game mà quên việc học, vì dễ phản tác dụng.

"Vì sao khi chơi game con lại có sự thích thú, tập trung, say mê mà không cần ai ép? Vì những nhà lập trình game họ rất khôn khéo, tạo ra động lực để người chơi cảm thấy cần nỗ lực đạt được. Vậy việc học cũng thế. Cha mẹ không nên ép. Muốn con giảm game thì chỉ còn cách là tạo động lực, tạo sự thích thú cho con trong việc học. Chẳng hạn cách đơn giản nhất là tạo động lực bên ngoài, bằng cách dùng phần thưởng phù hợp để giúp con cảm thấy mình cần cố gắng trong học tập. Lâu dần động lực bên ngoài sẽ chuyển hóa thành động lực bên trong", cô giáo Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An nêu giải pháp.

Không thể phủ nhận việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Nhưng để có những giờ học chất lượng, ngoài khả năng tương tác, nỗ lực của người dạy thì đòi hỏi người học phải có ý thức. Tuy nhiên, hiện giáo viên đứng lớp chỉ có thể trông đợi vào ý thức của học sinh. Đó cũng là mặt trái của việc học online.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top