PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế khen thưởng khuyến khích tài năng trẻ
Tái cấu trúc toàn diện
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, đề án tái cấu trúc ĐH Huế tập trung các cụm vấn đề: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của ĐH Huế, các trường ĐH, viện thành viên và đơn vị trực thuộc theo hướng giảm đầu mối, tăng chức năng và nhiệm vụ việc làm, năng động và hiệu quả ở bộ máy hành chính cơ quan ĐH Huế và các phòng quản lý hành chính ở các trường, đơn vị. Theo mô hình tinh gọn thành 3 nhóm công việc: Quản lý hành chính đơn thuần mang tính chất phục vụ phù hợp mô hình kinh tế hiện nay và theo văn bản quy phạm pháp luật; các hoạt động chuyên môn đào tạo – khoa học công nghệ (KHCN) - bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH; hệ thống điều hành - thanh tra và giám sát việc thực hiện và điều chỉnh tất cả các hoạt động theo hướng tự chủ có hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và quy định của pháp luật.
Đề án đưa ra phương án cấu trúc lại mô hình ĐH 2 cấp. Đối với những đơn vị hội đủ điều kiện để tự chủ vẫn giữ nguyên mô hình trường ĐH thành viên, tăng cường xây dựng các tổ chức hoạt động chuyên môn gắn với thị trường, nhất là KHCN với việc thành lập các doanh nghiệp KHCN và đăng ký kinh doanh để phát triển các sản phẩm theo hướng thương mại có đăng ký sở hữu trí tuệ.
Các đơn vị không có khả năng thực hiện tự chủ tiếp tục hợp nhất, sáp nhập và có thể trở thành đơn vị trực thuộc ĐH Huế.
Theo lãnh đạo ĐH Huế, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý và điều hành, ĐH Huế cấu trúc lại văn phòng và các ban chức năng theo khối các đơn vị chuyên về công tác quản lý, điều hành; khối các đơn vị chuyên về công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Điển hình năm qua, ĐH Huế sáp nhập 2 văn phòng Công đoàn, Đoàn Thanh niên vào văn phòng Đảng ủy ĐH Huế và đổi tên thành Văn phòng Đảng – Đoàn thể ĐH Huế.
Các trường ĐH và viện nghiên cứu thành viên thay đổi theo hướng tăng các tổ chức đơn vị hoạt động chuyên môn dưới dạng doanh nghiệp, giảm đầu mối quản lý ở các phòng, xây dựng lại đề án vị trí việc làm phù hợp. ĐH Huế sẽ đẩy mạnh liên kết chuyên môn trong trường, giữa các trường, phát huy sử dụng chung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Các đơn vị trực thuộc phát triển theo hướng xã hội hóa từng phần và tiến đến xã hội hóa toàn bộ, tự chủ hoàn toàn. Chuyển đổi mô hình Trung tâm Giáo dục Quốc tế sang Khoa Quốc tế hướng đến Trường Quốc tế có các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại ĐH Huế của sinh viên miền Trung, Tây Nguyên. Ngoài ra, sẽ thúc đẩy và thay đổi mô hình hoạt động của Khoa Du Lịch, Giáo dục thể chất và Phân hiệu thành trường trực thuộc ĐH Huế theo hướng năng động và tự chủ.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, ĐH Huế cũng tái cấu trúc ngành nghề, khuyến khích mở các ngành xã hội có nhu cầu cao, các ngành thí điểm theo chủ trương của Bộ GD&ĐT đối với sư phạm, tạo điều kiện cho người học học liên thông hoặc học cùng lúc hai bằng. Khuyến khích mở các ngành, chuyên ngành thuộc khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ mới, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, các ngành thuộc dịch vụ, du lịch và chăm sóc sức khỏe.
Sắp tới, ĐH Huế thúc đẩy hợp tác quốc tế để nhập khẩu các chương trình đào tạo tiên tiến, được kiểm định của các trường ĐH lớn nước ngoài, hợp tác cùng xây dựng các chương trình đào tạo đồng cấp bằng; xây dựng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Đặc biệt, sẽ xây dựng các chương trình thu hút sinh viên, học viên khu vực ASEAN…
ĐH Huế sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, hoạt động
Nâng chất lượng
Theo lãnh đạo ĐH Huế, mục tiêu của việc tái cấu trúc là khai thác tốt nhất tiềm năng to lớn của ĐH vùng trọng điểm, tranh thủ thời cơ trong bối cảnh giáo dục ĐH hội nhập quốc tế. Kể từ Nghị định 30CP/1994 (ngày 4/4/1994) đến nay, ĐH Huế trải qua 25 năm phát triển với mô hình ĐH 2 cấp: ĐH Huế là đầu mối quản lý chung các trường ĐH, viện thành viên, đơn vị trực và đã hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức với 8 trường ĐH, 1 viện thành viên 3 khoa và 1 phân hiệu và các đơn vị trực thuộc khác. Qua 25 năm, ĐH Huế gặt hái nhiều thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cùng nhiều lĩnh vực khác và được đánh giá trong top 5 ĐH của Việt Nam và top 350 châu Á.
Bên cạnh mặt làm được, mô hình ĐH 2 cấp bộc lộ một số hạn chế, trước hết là mâu thuẫn giữa quản lý tập trung và sự phân tán theo tính tự do của các cơ sở giáo dục ĐH, tính gắn kết và hợp tác hạn chế ngay cả trong các hoạt động chuyên môn. Xu thế và mô hình kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, cơ cấu lao động xã hội thay đổi những ngành nghề đặc thù và xã hội nhân văn, khoa học cơ bản ít người học, dẫn đến tuyển sinh kém, tính năng động và sáng tạo trong việc thay đổi mô hình hay ngành nghề đào tạo chậm; các nghiên cứu ứng dụng hiệu quả còn thấp, nguồn thu từ KHCN mới chỉ 2%... Điều này cho thấy, cần có những sự tính toán, thay đổi hợp lý.
Việc tái cấu trúc để có bộ máy quản lý tinh gọn, năng động và hiệu quả hướng đến thay đổi một cách toàn diện công tác quản lý, phát huy nguồn lực tối ưu, thu hút nguồn lực và sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao vào các hoạt động chuyên môn hiệu quả và hướng đến thay đổi cấu trúc nguồn thu, theo hướng ĐH nghiên cứu có thứ hạng cao trên thế giới.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương tin tưởng, việc tái cấu trúc các ngành nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội sẽ giúp tuyển sinh tốt hơn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để cung cấp đến mọi miền đất nước góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, miền Trung – Tây Nguyên và cả nước nói chung phát triển.
Bài, ảnh: Hữu Phúc