ClockThứ Ba, 22/10/2024 13:33

Tăng thời lượng thực hành và ứng dụng công nghệ mới

TTH - Trong xu hướng hội nhập quốc tế và yêu cầu của thị trường lao động, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế (ĐHH) luôn đổi mới phương thức, tăng cường thời lượng thực hành gắn với ứng dụng công nghệ.

Trường đại học Khoa học, Đại học Huế:Đón 1.500 tân sinh viên và gần 200 học sinh chuyên

Sinh viên tập làm MC và quay phim tại trường quay 

Thời lượng thực hành từ 50-70%

Trần Thị Mỹ Hảo vừa tốt nghiệp Khoa Báo chí - Truyền thông thuộc Trường đại học Khoa học, ĐHH chia sẻ, từ khi mới bước vào môi trường đào tạo ngành báo chí đã được thầy, cô rèn luyện các kỹ năng thực hành viết tin, bài, quay phim, chụp ảnh, dựng clip, tập làm MC… Những bài học này giúp sinh viên nắm vững kỹ năng, kiến thức thực tế, tự tin bước vào nghề.

TS. Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông thuộc Trường đại học Khoa học, ĐHH thông tin, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh số hóa, khoa có những thay đổi căn bản trong chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành và đầu tư công nghệ, phương tiện, kỹ thuật trong đào tạo.

Chương trình đào tạo được thiết kế với thời gian đào tạo các kỹ năng và hướng dẫn thực hành, thực tập, thực tế với tổng thời lượng chiếm 70% thời lượng học tập của sinh viên. Các học phần chung được xây dựng với tỷ lệ 50% lý thuyết và 50% thực hành. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn bổ sung thêm nhiều học phần có tỷ lệ thực hành và đào tạo kỹ năng đến 100% thời lượng.

Các hoạt động thực tế, thực tập cũng được chú trọng và nâng thời lượng đáng kể. Trước đây, trong chương trình đào tạo cũ, số tín chỉ thực tập, thực tế chỉ 4 tín chỉ được phân bổ ở năm 3 và năm 4, thì nay nội dung này đã được tăng gấp đôi, lên 8 tín chỉ và được phân bổ học ngay từ năm thứ 2. Quá trình đào tạo, khoa đã thiết kế các học phần theo hướng mở, giảng dạy theo hình thức 50% thời gian do giảng viên khoa phụ trách, 50% thời lượng còn lại mời các nhà báo, phóng viên giàu kinh nghiệm, chuyên môn đứng lớp nhằm trau dồi kỹ năng và kiến thức thực tế cho sinh viên.

Theo TS. Phan Quốc Hải, để thực hiện mục tiêu đào tạo người làm báo đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh số hóa như hiện nay, không chỉ thay đổi trong chương trình đào tạo mà còn trang bị các kỹ năng về sử dụng công nghệ cho sinh viên, đầu tư cơ sở vật chất đúng tầm. Khoa đã đưa các nội dung mới vào đào tạo, như kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí bằng thiết bị di động, làm báo thực tại ảo và thực tại tăng cường, sản xuất đồ họa thông tin báo chí, thiết kế sản phẩm báo chí truyền thông số… để nâng cao kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại trong tác nghiệp.

Trường đại học Khoa học, ĐHH đã trang cấp hệ thống cơ sở vật chất hiện đại cho khoa theo hướng số hóa. Khoa hiện có 3 trường quay ảo, 1 studio truyền hình, 1 studio phát thanh, 1 phòng thực hành báo in và báo điện tử, với đầy đủ các thiết bị để sản xuất các tác phẩm báo chí ở tất cả các loại hình theo hướng tác phẩm báo chí số. Các thiết bị khác như máy quay phim, máy ảnh, thiết bị ghi âm, ghi hình số cũng được trang bị để sinh viên sử dụng trong học tập. Đặc biệt, hệ thống kỹ thuật làm tin trực tiếp phát đa nền tảng (livestream trên web, mạng xã hội và các kênh số) cũng được trang cấp để sinh viên thực hành và bắt nhịp cùng với đời sống báo chí hiện đại, đa phương tiện.

Ứng dụng công nghệ

PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, ĐHH cho biết, từ năm 2021, nhà trường đánh giá và cập nhật tổng thể chương trình của 23 ngành đào tạo theo hướng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Khối lượng kiến thức thực hành, thực tế tại các ban ngành, doanh nghiệp được trường tăng cường, giảm khối lượng kiến thức mang tính hàn lâm, lý thuyết. Trong quá trình đào tạo, các khoa, bộ môn tích hợp các xu hướng công nghệ mới và chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm giúp sinh viên có nền tảng kiến thức vững vàng, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết và khả năng giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Thông qua việc ký kết hợp tác, các doanh nghiệp đã tham gia góp ý để phát triển chương trình đào tạo phù hợp với tình hình phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp, các công nghệ mới mà doanh nghiệp đang áp dụng. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giỏi đã tham gia đào tạo sinh viên, qua đó truyền đạt, trang bị cho sinh viên các kỹ năng làm việc thực tiễn. Việc sinh viên tham gia học tập, thực hành, thực tế tại doanh nghiệp đã giúp các em làm quen với môi trường doanh nghiệp, sẵn sàng tham gia vào quá trình sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo thêm cho các em sau khi ra trường.

Nhà trường và các đơn vị quản lý chuyên môn đã đầu tư, tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ cho sinh viên, qua đó giúp sinh viên nắm bắt vững vàng hơn các kiến thức đã học và phát hiện các tri thức mới. Tiêu biểu như cuộc thi “Lập trình dành cho học sinh trung học phổ thông và sản phẩm sáng tạo công nghệ thông tin dành cho sinh viên cao đẳng, đại học”. Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, như xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại, phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy thực hành. Từ đó, các đề tài nghiên cứu của giảng viên và sinh viên ngày càng phong phú và chất lượng. Số lượng công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín ngày càng tăng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật
Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top