ClockThứ Bảy, 09/06/2018 12:00

Thận trọng khi cho trẻ mầm non học ngoại ngữ

TTH - Theo lời khuyên của các chuyên gia, muốn con trong độ tuổi mầm non học ngoại ngữ, phải thận trọng, lựa chọn phương án phù hợp chứ không nhất thiết phải đưa con đến các trung tâm Anh ngữ.

Đổi mới mạnh mẽ việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường họcCác ngành ngoại ngữ “hút” thí sinh“Giải khó” môn ngoại ngữKhơi niềm đam mê học ngoại ngữHọc ngoại ngữ không nhất thiết phải có “thầy ngoại”

Chú ý cảm giác của con

Dạo một vòng quanh các trung tâm ngoại ngữ trong TP. Huế, bắt gặp cảnh nhiều cô cậu bé nước mắt ràn rụa theo mẹ tham gia buổi học thử ở trung tâm ngoại ngữ, đa số các cháu có độ tuổi chừng 3-5. Nhiều em cứ chạy tới, chạy lui mặc cho thầy giáo là người nước ngoài ra dấu im lặng. Có em quá sợ hãi, không dám khóc, cứ ngồi một chỗ mếu máo, đảo mắt nhìn quanh tìm mẹ.

Cần chú ý đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ trước khi học ngoại ngữ

Chị N.T.V, mẹ của cô bé hơn 3 tuổi đang học tiếng Anh trong kia cũng phấp phỏng không yên, muốn đem con về, nhưng lại không biết gửi con cho ai trong những ngày đi làm. Chị V. bộc bạch: “Cháu muốn ở nhà với mẹ chứ không muốn đến lớp tiếng Anh. Học hai buổi rồi mà cháu bỡ ngỡ, lạ thầy, lạ bạn, không nói tiếng nào”.

Nắm bắt nhu cầu cho trẻ học ngoại ngữ trong dịp hè, các trung tâm ngoại ngữ “tung ra” rất nhiều chương trình để thu hút sự quan tâm của phụ huynh. Hầu như, các trung tâm đều có chương trình học thử để kiểm tra và xếp lớp. Nhà nhà cho con đi học dù tiếng mẹ đẻ nhiều em vẫn chưa nói “tròn vành, rõ chữ”.

Không ít em rụt rè, sợ giao tiếp, song phụ huynh lại muốn con mạnh dạn, tự tin khi đến với các trung tâm Anh ngữ. Nhất là, với những thông tin về giai đoạn phát triển “vàng” của trẻ từ 0 - 3 tuổi lại càng củng cố niềm tin cho phụ huynh, phải cho con học - làm quen - chơi với tiếng Anh. Dẫu học phí trong 24 buổi (3 tháng) là 4 triệu đồng, không hề nhỏ đối với nhiều phụ huynh. Song, nhiều phụ huynh vẫn bắt con học tiếng Anh mà không để ý đến cảm giác, sở thích của con.

Và khả năng ngôn ngữ của trẻ

 “Trẻ ở tuổi mẫu giáo vẫn có thể tiếp xúc với tiếng Anh. Tuy nhiên, không nhất thiết phải cho trẻ đến trung tâm ngoại ngữ vì điều đó đôi khi lại không có lợi, đặc biệt đối với trẻ không có năng khiếu về học ngoại ngữ. Nó sẽ tạo nên áp lực, sự nhàm chán và chủ quan sau này ở trẻ. Có rất nhiều trẻ độ tuổi mẫu giáo vẫn rất “nhạy” về tiếng Anh khi xem youtube hay các kênh truyền hình tiếng Anh. Quan trọng nhất vẫn là sự gần gũi và quan tâm của bố mẹ, người thân đối với các cháu”, cô Thục Minh, cựu giáo viên Trung tâm Anh ngữ AMA chia sẻ.

Không ít phụ huynh cho rằng, trong giai đoạn “vàng” của con,  có thể nạp bất cứ cái gì vào đầu trẻ cũng đươc, nhất là ngoại ngữ. Hậu quả, bố mẹ lại phải dắt con đi khám vì trẻ… chậm nói. Thế nên, trước khi muốn đầu tư cho con học thêm một ngoại ngữ, phụ huynh nên nghĩ đến khả năng phát triển ngôn ngữ của con. Trao đổi với một số giáo viên nhiều năm dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, các thầy cô vẫn ủng cho trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đến trung tâm Anh ngữ nhưng tốt hơn vẫn nên tạo môi trường học tập cho trẻ ngay tại nhà, không nhất thiết phải học theo trường lớp, bài bản.

Cô Nguyễn Bảo Uyên, Tiến sĩ Tâm lý Tham vấn ở Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng, TP. Huế cho rằng: “Cho trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo tiếp xúc với ngoại ngữ cần có phương pháp, thận trọng.  Ở độ tuổi này các em cần có môi trường vừa học vừa chơi. Trong ngày hè nên để trẻ có nhiều thời gian gần người thân, cho trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường tự nhiên, các trò chơi vận động để các em có thể phát triển hài hòa đúng như lứa tuổi của mình”.

Bài, ảnh: Thành Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học mà chơi, chơi mà học

Là một trong những trường mầm non (MN) tư thục đóng trên địa bàn phường Phước Vĩnh, TP. Huế, Trường MN Bích Trúc trở thành nơi nuôi dạy, chăm sóc và giáo dục trẻ ngoài công lập đạt chất lượng và được phụ huynh tin tưởng gửi con em vào học.

Học mà chơi, chơi mà học
Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển và khuyết tật

Nhằm nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển và trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục mầm non, từ ngày 7 đến 11/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho 300 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục đối với trẻ có rối loạn phát triển và trẻ khuyết tật.

Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển và khuyết tật

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top