ClockThứ Bảy, 25/06/2016 20:10

Thay đổi môi trường nước để giảm thiểu tai nạn sông nước cho trẻ

TTH.VN - Trao đổi với chúng tôi về việc học sinh (HS) đuối nước đầu hè, Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) than: “Đau lòng quá! Các em đang tuổi ăn tuổi học, chỉ vì thiếu những kỹ năng đơn giản nhất mà cả mất mạng sống”...

Một ngày 2 vụ đuối nước cướp đi 5 trẻ, trong đó có 2 em HS Phú Vang. Nỗi nuối tiếc của người đứng đầu ngành GD&ĐT cũng đúng, vì Dự án “Phổ cập ơi cho HS tiểu học” hoàn thành sớm thì chắc sẽ không xảy ra những mất mát lớn như vậy.

Năm đứa trẻ ra bến nước số 8, thôn Dương Nổ câu cá, một trong số các em bị trượt chân, các em tìm cách cứu nhau, kéo dần cả 5 xuống nước làm 3 em tử vong… Cũng trong ngày bi thương đó, hơn 12 giờ trưa, người dân thôn Mộc Trụ (Vinh Phú) phát hiện 2 em nhỏ đi bắt nuốt ven phá, cách cầu Trường Hà hơn 100m bị đuối nước.

Làm gì cho các em

 

Bể bơi chuẩn vẫn quá xa với điều kiện giáo dục

Tỉnh ta có gần 600 trường học, trong đó có hơn 2/3 là trường tiểu học với khoảng 90.000 HS. Nhưng toàn hệ thống chỉ có 1 bể bơi tại Trường THPT chuyên Quốc Học. Để phổ cập bơi cho HS thành phố, ngành GD&ĐT Huế hợp đồng với Trung tâm Thể thao dưới nước tỉnh (2 Lê Quý Đôn) và Trung tâm Thể thao dưới nước thành phố.

Hiện hệ thống hồ bơi dân sinh (chủ yếu ở thành phố) cũng không đáp ứng được nhu cầu học bơi của HS. Trong dự án, việc học bơi của các em đa phần thực hiện... trên bờ, học các động tác kỹ thuật nhiều hơn là thực hành. Ở nông thôn, dự án áp dụng hồ bơi mở (các mặt nước ao, hồ, phá, biển... tuỳ địa hình mà được dự án trang bị phao, lưới, tấm bạt để khoanh vùng tập bơi).

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, những bể bơi mở này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ông Hùng cho rằng, muốn đẩy nhanh tốc độ phổ cập bơi cho HS, không có con đường nào khác là sự chung tay của xã hội. Không chỉ xã hội hoá với kinh phí từ phụ huynh, mạnh thường quân mà cần đến cả những khoản đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước để xây dựng CSVC ban đầu cho việc học bơi, như đầu tư cho các công trình phúc lợi văn hoá dân sinh.  Bên cạnh đó, mỗi người dân cần ý thức chủ động trang bị kỹ năng sống trong môi trường nước cho con em mình.

Khi bàn về việc phụ huynh chủ động tập bơi cho con em, người dân sống gần kênh, hói, sông hồ đều lên tiếng về sự ô nhiễm môi trường nước ở hệ thống này. Ngày xưa kênh, hói, sông, hồ nước xanh trong, còn hiện nay, không ai dám tắm ở hệ thống này. Lên bể bơi thành phố là điều quá xa xỉ. Ra biển hay sông, phá, đầm lớn thì quá khó khăn nên dù muốn, cha mẹ cũng khó dạy bơi cho con... 

Cần sự chung tay

 

Những bến nước cần được trả lại sự trong xanh

5 em nhỏ mất mạng những ngày đầu hè là một báo động và là sự tiếc nuối của những người làm dự án phổ cập bơi lội của ngành GD&ĐT khi đã triển khai 5 năm nhưng hiệu quả chưa cao. Giá như, khi dự án phổ cập bơi đưa vào nhà trường được quan tâm, triển khai hiệu quả hơn nữa, biết đâu, các em sẽ có kỹ năng cần thiết để bảo vệ nhau. 

Trong giáo trình học bơi có một phần dạy về kỹ năng tự bảo vệ và cứu giúp bạn bè khi xảy ra tai nạn đuối nước. Bài học bơi mới chỉ đến được với một số địa chỉ làm điểm. Nhưng với những HS còn lại, nó vẫn rất hữu ích, nhằm để tai nạn không lặp lại.

Sau sự việc, ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết: “Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền người dân quan tâm con cái hơn trong dịp hè. Đồng thời, yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi trong mùa hè để dễ quản lý HS hơn”. Một việc nữa cần sự đồng lòng của xã hội, đó là hãy trả lại môi trường nước trong lành cho các em.

Bài, ảnh: Hương Giang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đừng để cứ hè lại khóc “đuối nước”

Mỗi năm, khi các bạn nhỏ được nghỉ hè, lại là lúc thỉnh thoảng phải đọc những thông tin rất buồn: Chết đuối. Đã có những con số thống kê, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước… Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế và địa bàn miền Trung, sau hè lại thường sẽ là mùa lụt bão, cũng là thời điểm dễ dẫn tới những mất mát vì đuối nước.

Đừng để cứ hè lại khóc “đuối nước”

TIN MỚI

Return to top