ClockThứ Ba, 09/10/2018 06:15

Thay đổi nhận thức của sinh viên về khởi nghiệp

TTH - Trái với nỗ lực của Đại học (ĐH) Huế trong việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nhận thức của người học còn hạn chế đang là rào cản khiến cho phong trào này chưa mang lại hiệu quả tương xứng.

TS.Vũ Duy Thức chia sẻ thông tin khởi nghiệp và trí tuệ nhân tạoDiễn giả Lê Đình Hiếu chia sẻ "câu chuyện khởi nghiệp" cho sinh viên HuếĐưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo đại họcTừng bước tiến vào sân chơi khởi nghiệp quốc tế

Diễn giả Lê Đình Hiếu tương tác với sinh viên ĐH Huế tại talkshow về khởi nghiệp

Sinh viên chưa mặn mà

Mới đây, ĐH Huế tổ chức nhiều talkshow, các buổi nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) với chủ đề hay, song dù đã thông báo từ sớm nhưng số lượng sinh viên tham dự không nhiều, thậm chí một số còn bỏ về khi sự kiện đang diễn ra. Hỏi ra mới biết, nhiều trường hợp có mặt theo sự điều động của nhà trường.

Sinh viên chưa mặn mà với hoạt động KNĐMST là điều  đáng suy nghĩ. Thực tế, đó là chủ trương lớn và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg (ngày 30/10/2017) phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và ĐH Huế cũng đã có nhiều cuộc họp, hội nghị, các hoạt động thúc đẩy phong trào sinh viên khởi nghiệp song hiệu quả vẫn chưa như mong muốn mà nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức của người học.

Ông Lưu Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm KN&ĐMST ĐH Huế cho biết, nhiều sinh viên chưa hiểu đúng về KNĐMST và lo ngại nhất là vốn. Không ít trường hợp cho rằng, có kinh phí trong tay mới dám nghĩ tới chuyện khởi nghiệp. “Trong KNĐMST, tư duy và ý tưởng là vấn đề quan trọng hơn. Một số trường hợp có thể khởi nghiệp 0 đồng, bán ý tưởng hoặc tìm kiếm nhà đầu tư cho ý tưởng của mình. Mọi sinh viên đều có thể tham gia khởi nghiệp nếu có đam mê”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhiều sinh viên chưa mặn mà với khởi nghiệp

Theo các chuyên gia, sinh viên trước vấn đề khởi nghiệp thường sợ thất bại, nảy sinh tâm lý an phận và muốn tìm kiếm công việc với mức lương phù hợp thay vì khởi nghiệp. Điều này cũng dẫn đến tình trạng họ không mặn mà với các kiến thức, hoạt động về khởi nghiệp hay KNĐMST.

Điểm yếu của sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên là còn thiếu tự tin, tâm lý e ngại, nhất là với những cái mới. Trong khi đó KNĐMST là hoạt động mới đang dần đưa vào trường học, nên vẫn còn sự e dè, thụ động trong cách tiếp nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn ít cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động về KNĐMST nên việc truyền cảm hứng, lan tỏa phong trào này đến sinh viên gặp khó khăn.

Tại các trường, các hoạt động về KNĐMST chưa nhiều, thiếu điểm nhấn. Hình thức chưa lôi cuốn, kích thích sự tò mò và yêu thích của sinh viên. Ông Cao Hữu Phụng, Bí thư Đoàn Khoa Du lịch - ĐH Huế cho rằng, thực tế tại Khoa Du lịch và một số trường thiếu đội ngũ chuyên gia về khởi nghiệp, trong khi việc mời các chuyên gia bên ngoài trường không thể triển khai thường xuyên. Hơn thế, thời gian học tập của sinh viên nhiều, ảnh hưởng đến sự tham gia các hoạt động về KNĐMST.

Thay đổi nhận thức cho sinh viên

Việc tạo đam mê, xây dựng vốn kiến thức khởi nghiệp được xem là nền tảng để sinh viên có khả năng khởi nghiệp sau khi ra trường. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (tại hội nghị “Phổ biến, quán triệt nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 1655/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”), đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp để sinh viên ra trường không chỉ xin việc mà có thể tạo được việc làm.

Bên cạnh những hoạt động đang triển khai, việc thay đổi nhận thức của sinh viên đối với vấn đề khởi nghiệp là quan trọng, cần có giải pháp sớm và hiệu quả, trong đó trách nhiệm trước hết thuộc về các trường. Theo một cán bộ của ĐH Huế, các trường cần phối hợp ĐH Huế đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của sinh viên đối với hoạt động KNĐMST, chú trọng truyền thông trên các kênh mà sinh viên hay tiếp cận và tương tác, trong đó có cả mạng xã hội.

Các trường cũng cần triển khai nhiều hơn các hoạt động về KNĐMST liên quan đến các ngành đang đào tạo, cách làm cần đa dạng về hình thức và hấp dẫn về nội dung, có thể tổ chức các cuộc thi hoặc giao lưu với doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Theo đại diện Ban Công tác học sinh, sinh viên ĐH Huế, thời gian tới, ĐH Huế sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên liên quan đến KNĐMST, trong đó chú trọng đến các học viên (nhất là sinh viên) có đam mê, để tạo ra hiệu quả trong học tập và góp phần tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Dự kiến, sẽ có các chương trình nói chuyện hay cà phê với doanh nghiệp hằng tháng để cùng những người thành đạt trong khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và “truyền lửa”.

Hiện, ĐH Huế đã có những nhóm sinh viên có ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải ở các cuộc thi của Tổ chức ĐH Pháp ngữ, tỉnh và ĐH Huế. Thời gian tới, Trung tâm KN&ĐMST ĐH Huế sẽ chọn các ý tưởng khả thi để ươm tạo, đầu tư, biến ý tưởng thành sản phẩm, tạo ra uy tín, thương hiệu qua đó lan tỏa phong trào KNĐMST phát triển.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sôi nổi cuộc thi khởi nghiệp YES! Camp x Huế 2024

Tối 24/11, chương trình YES! Camp x Huế 2024 với chủ đề "NetZero", do Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế tổ chức đã chính thức khép lại sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.

Sôi nổi cuộc thi khởi nghiệp YES Camp x Huế 2024
Để giảng đường không khói thuốc lá

Với nhiều biện pháp tích cực, nhiều trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế (ĐHH) đã hạn chế tối đa cán bộ, giảng viên, sinh viên hút thuốc lá trên giảng đường.

Để giảng đường không khói thuốc lá
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Return to top