ClockThứ Bảy, 11/11/2023 09:27

Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Mong giảm môn thi để bớt áp lực cho học sinh

Theo lộ trình triển khai, vào năm 2025 sẽ có lứa học sinh đầu tiên tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi trường THPT Việt Đức. Ảnh tư liệu: Tuấn Đức/TTXVN 

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch công bố phương án thi vào quý IV/2023, song đến ngày 10/11, thông tin về kỳ thi vẫn chưa có. Điều này khiến nhiều giáo viên và học sinh của Hà Nội thấp thỏm, lo lắng.

Chuẩn bị cho kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, công bố phương án thi để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Có 3 phương án được đưa ra gồm: 4+2, 3+2 và 2+2. Trong đó, phương án 4+2 học sinh phải thi 6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3+2 học sinh thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 học sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), 2 môn còn lại là tự chọn.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN về các phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, phương án 2+2 nhận được nhiều ý kiến đồng tình của nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh. Phần lớn các ý kiến cho rằng, phương án thi 4 môn sẽ phù hợp với mục đích của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bởi dù học sinh học theo bộ sách giáo khoa nào thì với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, thi tốt nghiệp sẽ thỏa mãn nhu cầu học theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của thí sinh. Hơn nữa, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi từ sách giáo khoa, nội dung bài học, phương pháp dạy và học nên việc kiểm tra, đánh giá và thi cũng cần thay đổi.

Bà Vũ Ánh Nguyệt, phụ huynh học sinh Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) cho rằng, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình mới nên phương án thi cần được công bố sớm để tránh tâm lý lo lắng cho học sinh và gia đình các em. Việc giảm còn 4 môn thi có nhiều lợi ích, vừa giảm áp lực cho học sinh và gia đình, vừa giảm chi phí tổ chức kỳ thi.

Có con học lớp 11 Trường Trung học Phổ thông Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), bà Đinh Thị Vân ủng hộ phương án 2+2. Bà Vân cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm công bố phương án thi để các gia đình và học sinh có kế hoạch học và ôn tập phù hợp, các con sẽ dành thời gian tập trung nhiều hơn cho các môn học đúng sở trường và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Trước sự lo lắng, thấp thỏm của học sinh và gia đình khi phương án thi chưa được công bố, nhiều cán bộ, giáo viên Trung học Phổ thông cho rằng, học sinh và gia đình không nên quá lo lắng bởi có thể kỳ thi năm 2025 chỉ thay đổi về số môn thi. Ngoài ra, việc giảng dạy và làm quen với kỳ thi cũng đã được nhiều trường chủ động triển khai cho học sinh khối 11.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, để kịp thời có thông tin về tình hình dạy học cũng như giúp học sinh lớp 11 làm quen với kỳ thi, nhà trường đã tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ theo khối với các môn học bắt buộc. Còn với môn học tự chọn, học sinh được làm bài kiểm tra đánh giá định kỳ theo lớp. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi, nhà trường sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát thường xuyên hơn và trên quy mô toàn khối, qua đó kịp thời có những điều chỉnh trong tổ chức dạy học và hỗ trợ học sinh.

Cô Cao Thanh Hà, giáo viên môn tiếng Anh, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng cho biết: “Phương án 2+2 giảm áp lực nhiều nhất cho học sinh, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu các cơ sở giáo dục Đại học có thể sử dụng kết quả làm dữ liệu để tuyển sinh. Tuy nhiên, dù phương án cuối cùng là gì thì trước mắt học sinh vẫn cần yên tâm học tập đều các môn, không nên chủ quan để có kết quả tốt, thêm cơ hội xét tuyển vào Đại học bởi có khá nhiều trường vẫn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ hoặc học bạ kết hợp dữ liệu khác”.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025, Trường Phổ thông võ thuật Bảo Long (huyện Gia Lâm) cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra định kỳ đối với tất cả môn học, trong đó chú trọng các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu giáo viên và học sinh không coi nhẹ các môn học khác để đảm bảo việc đào tạo được toàn diện, thực chất, sẵn sàng đáp ứng với phương án thi tốt nghiệp năm 2025.

 

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Trường học không ma túy”

Đây là chủ đề cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 5/10 tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ.

“Trường học không ma túy”
Giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phối hợp tổ chức phát học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông năm học 2024-2025.

Giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về an toàn giao thông
Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10):
Đã đến lúc cải cách khủng hoảng giáo dục hiện nay

Từ lễ Wai kru ở Thái Lan đến các sự kiện tri ân ở Lào và Campuchia, tất cả các nước ASEAN đều dành riêng một ngày đặc biệt để học sinh vinh danh giáo viên bằng hoa, điệu múa truyền thống và cử chỉ tôn trọng.

Đã đến lúc cải cách khủng hoảng giáo dục hiện nay
Giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn

Huế là vùng đất học. Học sinh Huế hiếu học và khẳng định được vị thế của mình trong các kỳ thi văn hóa, thi viết, các sân chơi trí tuệ. Tuy nhiên, ở những cuộc thi nói, thi hùng biện, những hoạt động cần thuyết trình, đối đáp, tranh biện thì bạn trẻ Huế còn nhiều hạn chế, mà nguyên nhân chính là thiếu tự tin trước đám đông.

Giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn

TIN MỚI

Return to top