|
Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ trong một tiết thực hành |
“Chật vật” tìm chỗ thực tập
Nhu cầu hiện nay của xã hội là cần lao động có tay nghề. Sinh viên sau ra trường có thể đáp ứng được công việc, mà không cần đào tạo thêm. Đối với những ngành về kỹ thuật, công nghệ điều này càng được chú trọng hơn. Để đáp ứng yêu cầu đó, các cơ sở giáo dục đại học đã thay đổi khá nhiều về chương trình đào tạo. Đó là tăng thời gian và chất lượng của thực tập. Trong khi nhiều khối ngành sư phạm, văn hóa, du lịch, ngoại ngữ… thuận lợi trong tìm kiếm nơi thực tập, thì những ngành như kỹ thuật, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao lại “chật vật” tìm nơi thực tập trong tỉnh.
Một sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ, học về lập trình nên sinh viên này muốn thực hành tại một công ty chuyên về lập trình máy tính. Doanh nghiệp trong tỉnh chuyên về lĩnh vực này ít, trong khi số lượng sinh viên cùng tham gia thực tập nhiều. Vì vậy, chỉ có một lượng ít sinh viên có thể thực tập tại Huế. Còn lại, đa số phải di chuyển vào thực tập ở Đà Nẵng và Bình Định. Tạm bỏ qua chất lượng của việc thực tập. Sinh viên đang theo học ngành Công nghệ thông tin ở Trường đại học Khoa học chủ yếu thực tập ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Việc đi thực tập xa, thay đổi môi trường sống đã làm tăng chi phí sinh hoạt, ăn ở. Điều này làm tăng áp lực cho sinh viên khi đi thực tập.
Tương tự tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ – Đại học Huế. Với những ngành đào tạo, như Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật điện thì mỗi kỳ thực tập đến là cả thách thức lớn đối với sinh viên và cơ sở đào tạo. Đối với những ngành kể trên, sinh viên hầu hết phải đi thực tập ngoại tỉnh. Cũng như sinh viên ở các trường khác, thực tập ở xa làm tăng chi phí của sinh viên, tăng áp lực cho gia đình.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ – Đại học Huế, cơ sở đào tạo rất muốn sinh viên thực tập tại chỗ. Nhưng quả thật, với một số ngành, việc thực tập tại địa phương đang rất khó. Phần vì trong tỉnh ít doanh nghiệp lĩnh vực này, phần doanh nghiệp chưa sẵn sàng nhận sinh viên. Như vừa qua, khoa có gửi văn bản đến một doanh nghiệp với mong muốn tiếp nhận sinh viên đến thực tập, song doanh nghiệp đã từ chối. Điều này khác hẳn với doanh nghiệp ở phía bắc và phía nam, nhu cầu tiếp nhận sinh viên thực tập lại lớn.
Đối với các ngành mới mở như Logistics và chuỗi cung ứng, Kinh tế số tại Trường đại học Kinh tế; hay như ngành Nông nghiệp công nghệ cao tại Trường đại học Nông Lâm… chưa có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nên việc thực tập trong tỉnh trở nên khó khăn. Có chăng, chỉ dừng lại những chuyến tham quan thực tế, tìm hiểu những vấn đề liên quan tại doanh nghiệp trong thời gian ngắn. Không thể có những chuyến thực tập dài ngày để doanh nghiệp “bắt tay chỉ việc”.
Chủ động hỗ trợ cho sinh viên
Nhiều khó khăn đã được chỉ ra đối với người học và cơ sở giáo dục đại học khi sinh viên phải đi thực tập xa. Học một nơi và thực tập một nơi chắc chắn sẽ tăng chi phí đối với người học. Về phía cơ sở giáo dục đại học, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút người học. Người học sẽ có những cân nhắc khi chọn cùng ngành học ở địa phương khác, nơi có nhiều doanh nghiệp, thuận lợi trong thực tập. Xa hơn là thuận lợi tìm kiếm một công việc phù hợp sau này.
Một giảng viên đang tham gia giảng dạy ở khối ngành kỹ thuật cho biết, nhìn ra một số tỉnh bạn, có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp, nhà máy trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ nên sinh viên thuận lợi trong thực tập. Cũng phải nói thêm, cách tiếp cận của mỗi doanh nghiệp là có sự khác nhau. Có doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận sinh viên, nhưng cũng có doanh nghiệp chưa tạo điều kiện. Doanh nghiệp cho rằng tiếp nhận sinh viên thực tập chỉ “gánh nặng” cho doanh nghiệp, chứ không mang lại lợi ích gì.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế khẳng định, việc thiếu chỗ thực tập ở một số khối ngành kỹ thuật, công nghệ đã được phân tích, đánh giá, chỉ ra một thời gian. Để tạo thuận lợi, cũng như nâng cao chất lượng thực tập cho sinh viên, giải pháp quan trọng nhất được Đại học Huế triển khai là tăng cường mở rộng hợp tác với doanh nghiệp. Như vừa qua, Đại học Huế ký hợp tác với Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng để tiếp nhận sinh viên đến thực tập. Hay như một số ngành đào tạo mới về kỹ thuật ô tô cũng có sự chủ động ký kết với những nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong cả nước để sẵn sàng nơi thực tập cho sinh viên.
“Cách tiếp cận thực tập giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp có sự thay đổi. Nếu như trước đây, sinh viên thực tập mang tính học hỏi kinh nghiệm, thì nay các em được trực tiếp tham gia thực hành sản xuất. Chính điều này giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất. Khi đó, doanh nghiệp quay trở lại trả lương dựa trên năng lực làm ra sản phẩm cho sinh viên”, PGS.TS. Lê Anh Phương thông tin.
Như tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế, sự hợp tác với các doanh nghiệp đã có những hỗ trợ tốt cho sinh viên. Hè 2024, sinh viên của khoa tham gia thực tập 3 tháng tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Điều đáng mừng là các em thực tập được được trả lương dựa trên khả năng làm việc. Số tiền mà các em được trả trung bình từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền cơ bản đáp ứng được chi phí ăn ở và sinh hoạt nơi thực tập.