Giải bóng chuyền Trường ĐH Sư phạm Huế thu hút sinh viên
Đam mê
Giữa tháng 10/2016, chúng tôi chứng kiến trận thi đấu bóng chuyền dưới mưa của sinh viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế. Mặc thời tiết bất lợi, cầu thủ của hai đội vẫn thi đấu hết mình. Với họ, có được sân chơi như vậy là rất bổ ích.
Hơn 10 năm qua, thể thao trở thành sân chơi hấp dẫn với sinh viên các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế. Dù diễn ra trong thời gian ngắn, song, hễ có giải đấu, các khoa, lớp lại “rầm rộ” tập luyện. Ngày bận học, họ tranh thủ tập ban đêm, cuối tuần, chính điều này đã lan tỏa niềm đam mê thể thao trong sinh viên, kể cả những người mới bước vào giảng đường.
Không khó để bắt gặp các giải đấu phong trào, những trận thi đấu thể thao do sinh viên tổ chức. Họ tự mua dụng cụ rồi tìm các địa điểm, như công viên dưới chân cầu Dã Viên, công viên trước Phu Văn Lâu… tập luyện. Để cọ xát, sinh viên các trường tự liên hệ nhau thi đấu, phổ biến nhất là đội thua trả kinh phí thuê sân. Đam mê đến mức, sinh viên một số trường còn thành lập các câu lạc bộ (CLB) để thỏa mãn niềm yêu thích thể thao. Thùy Luyến, thành viên CLB Bóng rổ Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế chia sẻ: “Các bạn ở câu lạc bộ tập luyện khá hăng say và ít khi vắng mặt. Sau những giờ phút học tập căng thẳng, thể thao chính là niềm vui”.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế cho hay, các giải thể thao của trường luôn thu hút đông sinh viên tham gia. Các em có niềm đam mê thể thao rất lớn, nhờ vậy tạo nên sự sôi động và thành công cho các giải.
Thiếu sân tập
Hằng năm, hầu hết các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế có tổ chức giải thể thao với các môn chính là bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và bóng bàn. Ngoại trừ Khoa Giáo dục Thể chất có các sân tập, thi đấu thể thao thì các trường ĐH còn lại đều đang thiếu cơ sở vật chất cho các hoạt động thể thao. Mỗi lần tổ chức giải, họ phải mượn địa điểm thi đấu tại Khoa Giáo dục Thể chất hoặc thuê sân thể thao bên ngoài nhà trường, còn chuyện tập luyện thì sinh viên phải… tự lo.
Tiêu chí 5 trong tiêu chuẩn thư viện, trang thiết vị học tập và cơ sở vật chất (Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục) có nêu: “Có đủ diện tích lớp học theo quy định cho việc dạy và học; có ký túc xá cho người học, đảm bảo đủ diện tích nhà ở và sinh hoạt cho sinh viên nội trú; có trang thiết bị và sân bãi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao theo quy định”.
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thuê sân tập luyện khá cao. Như một sân bóng đá, sinh viên phải bỏ ra khoảng 200.000 – 300.000 đồng/giờ. Giá thuê sân cao, nhưng vào mùa cao điểm (mùa nắng), việc tìm được một sân tập phù hợp cũng không dễ. Sân tập tại trường thiếu thốn, các ký túc xá – nơi tập trung đông sinh viên cũng chưa đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao. Hiện, địa điểm này vẫn chưa có các sân tập chuyên biệt dành cho thể thao, chủ yếu là các sân tập tạm bợ.
Ông Phan Văn Tưởng, cán bộ Phòng Công tác Sinh viên, Ủy viên Hội Thể thao Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế chia sẻ, cơ sở vật chất thể thao là khó khăn chung của nhiều trường ĐH thành viên của ĐH Huế. Để phát triển thể thao, cần có nguồn kinh phí, song đây là khó khăn thực tế của các trường.
Các trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc ĐH Huế đã và đang tiến tới kiểm định chất lượng giáo dục. Trong 61 tiêu chí của 10 tiêu chuẩn kiểm định, thể thao là một tiêu chí được đưa vào để đánh giá chất lượng các trường. Tại đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài ở Trường ĐH Nông Lâm (30/9– 4/10/2016), Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài do GS. TSKH Đặng Ứng Vận làm trưởng đoàn đã chia sẻ, việc đầu tư cơ sở vật chất thể thao là cần thiết. Khi việc xây dựng các khu thể thao trong nhà trường còn khó khăn thì trước mắt, việc liên kết với các đơn vị kinh doanh dịch vụ thể thao là giải pháp có thể tính đến. Đồng thời, các trường có thể kêu gọi, vận động nguồn xã hội hóa để phát triển.
Lê Hữu Phúc