ClockThứ Bảy, 23/12/2017 09:58

3 điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục

Năm 2017 đánh dấu mốc quan trọng bởi trong những ngày cuối năm, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Trong đó, có một số thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS, xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên CĐ.

Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Đa số ý kiến đồng tình

Lương giáo viên sẽ xếp cao nhất

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký gửi Thủ tướng Chính phủ tại Điều 81 nêu: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp".

Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục.

Đây là điểm nhấn quan trọng nhất bởi việc tăng lương cho giáo viên đã đề cập từ lâu. Ở Nghị quyết T.Ư 8 khóa 2 năm 1996, đã có câu "lương của giáo viên sẽ cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp". Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, điều đó vẫn chưa thực hiện được.

Tăng lương cho giáo viên là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất bởi vấn đề này đã đề cập từ lâu. Ảnh minh họa

Miễn học phí tới cấp THCS

Ngoài đề xuất lương giáo viên cao nhất, Dự thảo Luật Giáo dục cũng đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí khi bổ sung quy định miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập.

Tờ trình Chính phủ nêu rằng, nhiều ý kiến cho biết cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.

Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh cấp THCS trường công lập.

Đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên Cao đẳng

Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.

Cụ thể, Dự thảo sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 77 như sau: "Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sử phạm đối với giáo viên tiểu học".

Miễn học phí hoặc tăng lương cho giáo viên, nếu thực hiện được, đó là một cuộc “cách mạng”.

Một cuộc “cách mạng”

Ngay sau khi đưa Dự thảo lên mạng với 3 đề xuất đáng chú ý trên đây, dư luận đã rất quan tâm và có hàng triệu ý kiến đóng góp, đồng tình.

Nói như một đại biểu ở Hải Dương, ngay sau khi có thông tin sẽ tăng lương giáo viên và đề xuất miễn học phí cấp THCS, không chỉ cán bộ giáo viên mà nhân dân, ai ai cũng phấn khởi, bàn tán sôi nổi. Nhiều chuyên gia, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục còn đề xuất miễn học phí cho cả cấp học mầm non và học sinh trường ngoài công lập có dịch vụ công.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, miễn học phí hoặc tăng lương cho giáo viên, nếu thực hiện được, đó là một cuộc “cách mạng”. Riêng việc tăng lương giáo viên, theo GS Thi, có thể trở thành hiện thực bởi đây là ý chí của Đảng, của nhân dân nhưng chưa thực hiện được.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top