ClockThứ Hai, 11/09/2017 14:35

'Báo cáo VNEN khác xa thực tế'

"Báo cáo đánh giá VNEN ở những tỉnh thành nào? Số lượng mẫu để đánh giá là bao nhiêu?​ Cộng đồng nào đón nhận rất lớn, đề nghị nêu cụ thể".

Ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT (hiện đã nghỉ hưu), dự giờ một lớp học theo mô hình VNEN tại TP Vũng Tàu trong năm học 2015-2016 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhiều phụ huynh, giáo viên phản hồi sau khi Ngân hàng Thế giới đánh giá tác động của VNEN tại Việt Nam, trong đó cho rằng VNEN được cộng đồng đón nhận, học sinh VNEN tự tin, sáng tạo hơn, biết quan tâm chia sẻ với người khác...

Học tập đi xuống

"Tôi không đồng tình với báo cáo này. Cộng đồng nào đón nhận rất lớn, đề nghị nêu cụ thể. Nhiều tỉnh thành có cha mẹ, giáo viên không đồng ý học mô hình VNEN như Hà Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Lắk, Bà Rịa - VũngTàu... và nhiều tỉnh thành khác nếu được lấy ý kiến họ có đón nhận không?", một người thẳng thắn.

Cũng có ý kiến phản biện: "Xin hỏi báo cáo đánh giá ở những tỉnh thành nào? Số lượng mẫu để đánh giá là bao nhiêu? Con em tôi đang theo học chương trình này. Người thân của tôi đang dạy chương trình này, ai cũng nói không hiệu quả, không chất lượng.

 Tình hình học tập của các em đi xuống rõ rệt. Những ai ủng hộ mô hình VNEN nên trực tiếp đứng lớp khoảng 3-6 tháng sẽ thấy là không khả thi chút nào".

Không biết nhận định "học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống..." được WB thử nghiệm ở đâu? 

Ngay một địa phương mà tôi biết, khi học sinh tiểu học đã học 4 năm theo VNEN, lên bậc THCS học một năm lớp 6. Cuối năm, nhà trường tổ chức thi cuối kỳ, học sinh lớp truyền thống khoảng 90% đạt điểm từ trung bình trở lên. 

Riêng hai lớp VNEN có tới 70% học sinh không đạt mức chuẩn. Không thể để kết quả như thế, nhà trường đã tổ chức cho học sinh thi lại lần nữa mới ghi kết quả vào sổ.

Chưa phù hợp

Người viết bài này đang là giáo viên dạy chương trình VNEN. Bản thân là một giáo viên nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được đồng nghiệp và phụ huynh đánh giá cao về chuyên môn, trách nhiệm; là người luôn học hỏi, luôn tìm tòi cái mới để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 

Nói điều này để chứng minh rằng mình không phải giáo viên lười, không chịu học hỏi, không chịu đổi mới như nhiều người thường quy chụp cho những thầy cô khi phản ứng về VNEN. Thế nên, tôi có thể khẳng định VNEN chưa thật sự phù hợp với giáo dục của chúng ta về nhiều lẽ:

Thứ nhất, sĩ số mỗi lớp học của chúng ta quá đông. Nơi ít 35 em/lớp, nơi nhiều gần 60 em/lớp. Trong khi ở nhiều nước sĩ số 20 em/lớp mà có tới 2 giáo viên dạy. 

Sĩ số đông như thế, học sinh ngồi học "theo mâm" suốt buổi, giáo viên không thể quan sát hết các nhóm làm việc nên không ít em ngồi chơi, ỷ lại vào bạn. Thầy cô cũng không đủ sức đi tới từng nhóm để kiểm tra hay nghiệm thu kết quả học tập mà các em vừa làm.

Thứ hai, kiến thức học của chúng ta quá nặng so với nhận thức của các em. Kiến thức khó nếu không có sự giảng giải, hướng dẫn cụ thể từ thầy cô, học sinh sao có thể tự tìm tòi, tự nghiên cứu một cách thấu đáo?

Chưa nói đến việc trong một lớp có không ít em là học sinh "ngồi nhầm lớp", hậu quả của căn bệnh thành tích nhiều năm. Những học sinh này, thầy cô giảng đi giảng lại, chỉ bày cặn kẽ từng li từng tí còn chưa hiểu thì sao có thể để các em tự học?

Thứ ba, VNEN có chăng chỉ phù hợp với học sinh vùng thành thị. Các em không chỉ có lực học tốt mà còn được sự quan tâm nhiều của phụ huynh. Những học sinh miền núi, tiếng Việt chưa nói sõi sao có thể tự đọc văn bản để hiểu nội dung, mục đích yêu cầu của những văn bản ấy?

Chừng nào chúng ta khắc phục được những tồn tại trên, chừng đó VNEN ở nước ta mới được đón nhận.

Giống... lãnh đạo ngành giáo dục phát biểu!

Chị Nguyễn Thu Hà - một phụ huynh có con đang học lớp 4 ở TP Vũng Tàu - kể cách đây hai năm, khi con gái chị học lớp 2, cả trường đã phải theo VNEN. Nhưng sau đó, TP Vũng Tàu đã xin tạm ngưng chương trình này. Từ năm lớp 3, con chị Hà đã quay trở lại với mô hình dạy học truyền thống. 

Sau khi bỏ học theo VNEN, sang năm lớp 3, con gái chị học ổn hơn. Giáo viên cho biết học sinh trong lớp con chị nắm kiến thức đồng đều hơn. Và quan trọng hơn, những học sinh yếu trong lớp được thầy cô giáo có điều kiện để quan tâm, bồi dưỡng hơn.

Theo chị Hà, đánh giá của WB cho rằng học sinh theo VNEN sáng tạo hơn, tự tin hơn, làm việc nhóm tốt hơn là chưa có cơ sở, đánh giá một chiều, chưa được thẩm định, so sánh trong thực tế và dựa trên kết quả của học sinh. 

"Dựa vào đâu để nói theo VNEN, học sinh sáng tạo hơn, biết chia sẻ hơn?" - chị Hà đặt câu hỏi. Trong khi đó, sau khi đọc báo cáo của WB, một số phụ huynh khác nói rằng những ưu điểm của VNEN được WB đưa ra giống như từ... chính lãnh đạo ngành giáo dục địa phương phát biểu.

Chị Hà phân tích để đánh giá được năng lực và kỹ năng học sinh phải là một quá trình. Ngược lại, chị Hà cho rằng học theo VNEN, học sinh không có hứng thú vì một vấn đề lặp đi lặp lại quá nhiều lần.

Và trên thực tế, việc triển khai VNEN tại Việt Nam gặp những yếu tố cản trở, khó khăn lớn. Đó là cơ sở vật chất như bàn ghế, trường lớp chưa đáp ứng để áp dụng phương pháp của VNEN một cách hoàn hảo. Và quan trọng hơn là đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo, tập huấn kỹ nên áp dụng VNEN một cách máy móc dẫn đến hiệu quả học không cao...

Theo Tuổi Trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Return to top