Bộ GDĐT yêu cầu nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ bảo hiểm y tế cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ảnh: BHXHHN
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng đáng kể từ khoảng 85% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm học 2013-2014 lên 92% năm học 2016-2017. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT chưa cao (khoảng 80%).
Nguyên nhân chủ yếu là do tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT cho học sinh, sinh viên ở một số nhà trường còn hạn chế và công tác bảo hiểm y tế chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh, sinh viên chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHYT chưa thường xuyên.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, Bộ GDĐT yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh chính sách, pháp luật về BHYT và vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên.
Các đơn vị giáo dục phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Các cơ sở cần tham mưu đề xuất UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BHYT trong các cơ sở giáo dục. Có hình thức xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT.
Theo Lao động