ClockThứ Năm, 16/11/2017 14:12

Bộ trưởng GD-ĐT hứa đồng hành, tăng lương cho giáo viên

Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, nếu chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới đi mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì không được…

Lạm phát tiến sĩ , “tiến sĩ giấy” vẫn luôn là đề tài nóng gây bức xúc xã hội. Được biết, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, ngành GD-ĐT đã thay đổi phương thức đào tạo kiểu giao chỉ tiêu, thưa Bộ trưởng?

Không có việc giao chỉ tiêu nữa mà Bộ sẽ đưa ra các cơ chế chính sách để quản lý chất lượng, khuyến khích và giám sát. Các cơ sở đào tạo căn cứ vào nhu cầu của mình phải có trách nhiệm đầu tư cho công tác này

Cách tiếp cận của đề án mới là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Còn các cơ sở giáo dục đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng. Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần.

Làm như vậy cũng là để mở rộng đối tượng, để tất cả mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt cán bộ ở cơ sở công lập hay tư thục.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bên hành lang Quốc hội sáng 16/11.

Cũng có nhiều ý kiến gợi ý là nên tập trung số lượng học bổng cho việc đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, nơi đã có nền tảng và chất lượng đào tạo đảm bảo. Cái khó hiện tại là cơ chế để thu hút những người đi học như thế trở về nước làm việc?

Quan trọng nhất là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc.

Cách tiếp cận của chúng tôi bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo. Căn cứ vào đó, Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải đề án là cử đi học, khi đi thì cắt biên chế rồi người đi học xong không về nữa.

Được biết Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch kinh phí 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sĩ. Không giao chỉ tiêu số lượng nhưng quy ra số tiền, nhiều ý kiến cho rằng, phép tính về bản chất là không khác nhau?

Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới đây rất khác với truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi nhưng không nhất thiết phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Chính phủ.

Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong đề án này rất chú trọng đến đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người đi học. Vai trò của Bộ GD-ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức của các tổ chức khác và khuyến khích người đi học.

Vậy khoản kinh phí 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sĩ được rót về những cơ sở đào tạo cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?

Không rót về cơ sở nào cả mà dành cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai giành được thì được hưởng để được nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở.

Mọi lời chúc chỉ là hoa mĩ!

Một vấn đề khác đang gây nhiều bức xúc là chuyện tiền lương giáo viên quá thấp, không phản ánh đúng thu nhập cũng như không đủ đảm bảo cuộc sống. Với cả triệu giáo viên trong hệ thống hiện nay, tháo gỡ vấn đề này thế nào, thưa Bộ trưởng?

Đây là vấn đề rất lớn. Hiện nay Bộ đang rà soát lại chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục. Khi tiêu chuẩn, chất lượng được yêu cầu cải tiến theo hướng tốt lên thì lương cũng phải đi theo.

Tất nhiên Bộ GD-ĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt Nghị quyết 29 của trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất.

Đồng thời, Bộ cũng đang sửa Luật Giáo dục pháp điển hoá chính sách, đảm bảo tính đặc thù. Thang bảng lương sẽ đi kèm với trách nhiệm đội ngũ. Khi mà yêu cầu nhà giáo phải cao hơn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được.

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ khác để xây dựng, thống nhất cơ chế chính sách như vậy. Đến nay, qua làm việc sơ bộ, các Bộ trưởng khác cơ bản cũng thống nhất ủng hộ tinh thần này. Nhưng vấn đề là cụ thể thế nào để làm sao để trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi. Đây là vấn đề không đơn giản nhưng phải làm.

Bộ trưởng đưa ra thông điệp gì về việc đồng hành với đội ngũ giáo viên trên hành trình không đơn giản này khi một ngày lễ 20/11 nữa lại sắp tới?

Hiện cuộc sống đặt ra rất nhiều trách nhiệm, thách thức với nhà giáo. Với tư cách là Bộ trưởng - người đứng đầu ngành, tôi rất hiểu và sẽ cùng làm, sẽ đại diện cho các thầy cô để làm việc với các cơ quan có thẩm quyền một mặt cải thiện chất lượng ngành giáo dục tốt hơn, để cả xã hội cùng đồng hành với ngành giáo dục.

Nếu Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới đi mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì không được. Tôi sẽ cố gắng tốt nhất trong khả năng của mình để tạo ra được môi trường thuận lợi cho các thầy cô và bảo vệ các thầy cô một cách chính đáng. Đó là việc làm thiết thực chứ không mọi lời chúc tụng chỉ là hoa mĩ!

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại học Huế khen thưởng nhiều nhà giáo tiêu biểu

Sáng 17/11, Đại học (ĐH) Huế tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đến dự có: Ông Nguyễn Quang Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; bà Phạm Thị Minh Huệ, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; bà Nguyễn Thị Sửu, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Đại học Huế khen thưởng nhiều nhà giáo tiêu biểu
Return to top