Đó là đề nghị của Bộ GD&ĐT đối với các đại học, học viện, các các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục.
Theo đó, các trường phải xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường.
Bố trí cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp. Thành lập bộ phận hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trên cơ sở các bộ phận, phòng, ban đã có của nhà trường.
Thiết lập kênh thông tin cung cấp các tài liệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nguồn học liệu của nhà trường cho HSSV. Tổ chức truyền thông về các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, khuyến khích HSSV đề xuất các dự án, ý tưởng với bộ phận tư vấn hỗ trợ HSSV khởi nghiệp của nhà trường để được tư vấn, hỗ trợ.
Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, mời các chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, các buổi nói chuyện chuyên đề, các diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV. Tổ chức lựa chọn các dự án, ý tưởng có tính khả thi để hỗ trợ ươm tạo tại trường hoặc kết nối đến các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ ươm tạo, tăng tốc, kết nối đầu tư.
Phải lập cơ sở dữ liệu về các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV sau khi đã được hỗ trợ, lựa chọn các ý tưởng dự án khả thi và có tính sáng tạo để tham dự ngày Hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV cấp khu vực.
Nghiên cứu hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên theo quy định tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ”Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Theo Dân trí