ClockThứ Ba, 07/02/2017 05:46
ĐÀO TẠO TÀI NĂNG MỸ THUẬT:

Cần chiến lược đồng bộ, toàn diện

TTH - Đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật là công việc đầy gian nan, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm của giáo viên và năng lực, ý chí vươn lên của sinh viên.

Thí sinh ngành Điêu khắc (Trường đại học Nghệ thuật Huế) - một ngành rất khó tuyển của trường trong nhiều năm qua. Ảnh: Ngọc Hà 

Không dễ tạo tài năng

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho rằng, Trường đại học Nghệ thuật Huế nói riêng và các trường đại học mỹ thuật nói chung đơn thuần mới chỉ đào tạo một con người có  đích đến cử nhân mỹ thuật chứ chưa được xem là nơi đào tạo tài năng, nghệ sĩ tài ba. Vì thế, đòi hỏi trường đại học mỹ thuật phải có một định chế về môi trường đào tạo tài năng mỹ thuật, từ đó sẽ có hướng đào tạo những tài năng đó trở thành nghệ sĩ.

Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, quá trình đào tạo tài năng mỹ thuật là một quan hệ biện chứng và ngay từ buổi đầu sinh viên chọn ngành, thi đầu vào là do các em có chút năng khiếu, đam mê. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình đào tạo, từ năng khiếu đến tài năng lại có khoảng cách khá khác biệt. Có bao sinh viên đã từng nổi lên nhưng sau đó đã thui chột tài năng và mất đi những cảm xúc vốn có. Chỉ có những sinh viên hội đủ những nhân tố, nội lực cùng với sự sàng lọc, tích cực qua quá trình học tập, cảm thụ thì mới nhận diện và khơi dậy được tài năng mỹ thuật.

Trưng bày tác phẩm là cách động viên sự sáng tạo và phát triển tài năng của sinh viên

Một thực tế là, từ chương trình hợp tác trao đổi ngày càng tăng cả về lượng và chất giữa Trường đại học Nghệ thuật Huế với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ở lĩnh vực mỹ thuật, sinh viên mỹ thuật có cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ, tiếp cận được với quan niệm nghệ thuật, xu thế phát triển các trào lưu, nền tảng của nền mỹ thuật thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định chung, năng lực sinh viên chưa đáp ứng được vấn đề hội nhập. Phương pháp đào tạo theo khung chương trình hiện nay còn mang tính hàn lâm, cứng nhắc, những bài học có hơi hướng “mới” đều mang tính thử nghiệm theo từng năm, từng khóa và vẫn chưa được đưa vào đào tạo chính thống. Vì vậy, sinh viên chưa đủ nội lực tiếp thu có chọn lọc những trào lưu nghệ thuật để chuyển hóa thành cái riêng cho mình. Bên cạnh đó, sinh viên nắm những kiến thức cơ bản về mỹ thuật Việt Nam, nền mỹ thuật truyền thống còn hời hợt, xảy ra tình trạng choáng ngợp trước sự hội nhập nền mỹ thuật mới tiếp cận mà phủ nhận những thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam đã đạt được.

ThS. Nguyễn Thái Quảng, Trường đại học Nghệ thuật Huế trăn trở: “Trong thiết kế khung chương trình đào tạo ngành mỹ thuật hiện nay, nội dung giáo dục còn thiếu thiết thực. Các môn học đại cương kiến thức rộng, chiếm nhiều thời gian nhưng không sâu, phần cần đào tạo chuyên sâu là rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo về phương pháp nghiên cứu chuyên ngành lại hạn chế, các kỹ năng quan trọng của sinh viên cần có để hội nhập rất sơ sài, không có hệ thống khoa học. Sinh viên chưa thực sự chủ động trong lĩnh hội kiến thức rèn luyện ngành nghề”.

Xây dựng chiến lược đào tạo

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Để thực thi hiệu quả đề án này, về lâu dài cần có một chiến lược đào tạo tài năng trẻ một cách đồng bộ, toàn diện từ phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu đến tổ chức đào tạo ở các cấp độ và lứa tuổi khác nhau, đào tạo năng khiếu và đào tạo văn hóa, đào tạo ngoại ngữ, tuyển chọn gửi đi đào tạo ở những trung tâm đào tạo có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới...

ThS. Hà Văn Chước, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cho rằng, trong giảng dạy cần hướng người học đến sự đổi mới hình thức nghệ thuật, có nội dung sâu sắc, biết tiếp thu bản sắc nghệ thuật dân tộc và tinh hoa mỹ thuật thế giới, biết khai thác các yếu tố tạo hình đương đại làm phong phú hình thức, phong cách nghệ thuật của mình. Với đặc thù đào tạo nghệ thuật, người thầy ngoài yêu cầu chuyên môn, phải có trình độ sư phạm nghệ thuật cao, có nhiều kinh nghiệm trong truyền thụ kiến thức và hướng dẫn thực hành sáng tạo mỹ thuật cho sinh viên. Người giáo viên phải là một nghệ sĩ giỏi có nhiều sáng tác mỹ thuật thành danh và có uy tín nghề nghiệp cao.

Vấn đề đặt ra hiện nay trước xu thế hội nhập quốc tế là cần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên mỹ thuật có đủ tài và tâm, vững vàng hội nhập và sánh vai với các nghệ sĩ thế giới để không hòa tan bản sắc riêng nhưng cũng không nên có tư tưởng truyền thống cực đoan. Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc phải đặt lên hàng đầu và tiếp thu cái mới của nền mỹ thuật thế giới là hòa nhập chứ không phải phủ nhận truyền thống. ThS. Nguyễn Thái Quảng cho hay: “Khi hướng dẫn, định hướng cho sinh viên, chúng ta lĩnh hội những giá trị nghệ thuật nhân loại nhưng không được đưa nguyên xi, cần phải chọn lọc linh hoạt, sáng tạo, chuyển biến chúng thành những giá trị riêng để xây đắp nên giá trị mỹ thuật mới của Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Việc đào tạo và bồi dưỡng tài năng cho sinh viên mỹ thuật trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đang là một vấn đề rất nóng bỏng, đòi hỏi các cấp, các nhà quản lý giáo dục nói chung và đơn vị đào tạo nghệ thuật cần có sự đồng lòng, tìm được tiếng nói chung trong vai trò chủ đạo là thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tài năng mỹ thuật.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học

“Tìm kiếm tài năng tiếng Anh” là cuộc thi dành cho học sinh lớp 5 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 9/11 mang đến cho các em học sinh không khí học tập sôi nổi, trải nghiệm đầy cảm hứng về môn học.

Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Return to top