ClockThứ Sáu, 14/12/2018 21:37
LIÊN QUAN VỤ “TỐ CÁO” DẤU HIỆU VI PHẠM CỦA ÔNG ĐỖ XUÂN PHÚ (TRƯỜNG ĐH NGHỆ THUẬT):

Chưa có cơ sở để kết luận vi phạm

TTH - Trước dư luận về vụ việc ông Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật (ĐHNT), ĐH Huế có dấu hiệu vi phạm việc lợi dụng chức vụ người quản lý hồ sơ đào tạo để tự ý sửa điểm và sử dụng kết quả này vào quá trình công tác và học tập sau ĐH, ngày 14/12, ông Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, đã tiến hành thẩm tra, xác minh, thông tin ban đầu cho thấy chưa có cơ sở để kết luận vi phạm.

Trường ĐH Nghệ thuật Huế khai giảng năm học mới

Lãnh đạo ĐH Huế cung cấp văn bản, thông tin liên quan đến vụ việc

“Nghi vấn” vi phạm

Ngoài thông tin dư luận, trong tháng 11/2018, ĐH Huế nhận được đơn thư nặc danh tố cáo dấu hiệu vi phạm của ông Đỗ Xuân Phú. Thông tin trên chỉ ra, trong văn bản của Trường ĐHNT thời điểm đó xác nhận ông Đỗ Xuân Phú tốt nghiệp ĐH loại khá (văn bản 353/NTH ngày 2/12/1998), song văn bản trên lại viện dẫn Quyết định 109/NTH ngày 23/7/1991 nhưng quyết định này không có giá trị pháp lý (không có đóng dấu). Hơn thế, trong Quyết định 109 và cả hồ sơ gốc thì ông Phú tốt nghiệp loại trung bình.

Sự việc trên nảy sinh nghi vấn ông Phú đã lợi dụng chức vụ là người quản lý hồ sơ đào tạo của trường để tự ý sửa đổi bảng điểm, sử dụng kết quả đào tạo cử nhân không đúng của mình để hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự thi cao học, tiến sĩ; hồ sơ bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNT, nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Chưa có cơ sở kết luận

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, xác định vấn đề quan trọng nên đã giao bộ phận chức năng xác minh, làm rõ. Việc xác minh có 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất là, việc lợi dụng chức vụ là người quản lý hồ sơ đào tạo của trường để tự ý sửa đổi bảng điểm. Thông tin xác minh ban đầu cho thấy, bảng điểm kết quả học tập của ông Đỗ Xuân Phú kèm theo đơn tố cáo và bảng điểm được Trường ĐHNT cung cấp có cùng kết quả, được trường xác nhận sao từ bảng điểm do trường quản lý và sau thời điểm ký giấy xác nhận. Thời điểm Trường ĐHNT ký giấy xác nhận số 353/NTH (02/12/1998), ông Phú không còn công tác ở Phòng Đào tạo của trường, đang là giảng viên Khoa Hội họa.

Giấy xác nhận số 353 không còn giá trị pháp lý do căn cứ để cấp bằng và ký giấy xác nhận là Quyết định 109/NTH là văn bản không hợp pháp do không có chữ ký, khuôn dấu và không được Công văn số 4724/BGD&ĐT/ĐH&SĐH ngày 09/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thừa nhận. Theo quy định các văn trên phải được thu hồi và không còn giá trị sử dụng kể từ ngày 20/4/2006. Bản thân ông Phú giải trình hoàn toàn không biết, không sử dụng Giấy xác nhận số 353/NTH với bất kỳ mục đích gì và ở đâu. Theo ông Tùng, vì những lý do trên nên chưa có cơ sở để kết luận ông Phú vi phạm nội dung này.

Về việc sử dụng kết quả đào tạo cử nhân không đúng của mình để hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự thi cao học. Thông báo tuyển sinh cao học mỹ thuật của Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh số 17/MTHCM-TSCH06, ngày 09/3/2006, tiêu chuẩn về văn bằng nêu: Có bản sao bằng tốt nghiệp ĐH mỹ thuật hệ chính quy và hệ tại chức dài hạn phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự thi và có ít nhất 2 năm công tác liên tục trong một cơ quan Nhà nước.

Ông Đỗ Xuân Phú tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành mỹ thuật năm 1991, công tác tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Huế (nay là Trường ĐHNT, ĐH Huế) từ 1991 đến nay. Tại thời điểm Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh thông báo tuyển sinh cao học khóa năm 2006, ông Phú được Trường ĐHNT cấp bằng tốt nghiệp ĐH, số hiệu bằng C 691561 và đã sử dụng bằng tốt nghiệp ĐH này đề hoàn chỉnh hồ sơ dự thi cao học. Vì vậy, không có cơ sở để kết luận ông sử dụng kết quả đào tạo cử nhân không đúng của mình để hoàn thiện hồ sơ dự thi cao học tại Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Vấn đề liên quan đến thủ tục hồ sơ dự thi tiến sĩ. Theo ông Tùng, thông báo xét tuyển đào tạo tiến sĩ năm 2011 của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người tham gia xét tuyển phải thỏa mãn một trong 4 tiêu chuẩn: Có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành hoặc chuyên ngành phù hợp (chương trình lệch nhau không quá 10% đơn vị học trình); có bằng thạc sĩ ngành gần và phải học các môn bổ sung sau khi trúng tuyển; có bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy loại khá trở lên đúng chuyên ngành hoặc chuyên ngành phù hợp; có bằng thạc sĩ ngành khác và bằng tốt nghiệp ĐH chính quy đúng ngành, ngành phù hợp.

Ông Đỗ Xuân Phú được cấp bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành mỹ thuật năm 2006, tốt nghiệp cao học ngành Mỹ thuật tạo hình năm 2011 (bằng thạc sĩ số hiệu A010106, được ký ngày 25/7/2011). Thời hạn cuối nộp hồ sơ xét tuyển đào tạo tiến sĩ là 29/7/2011 nên ông Phú có thời gian hoàn thiện các hồ sơ xét tuyển đào tạo tiến sĩ năm 2011 nếu xét tuyển sử dụng bằng thạc sĩ. Giải trình của ông Phú nói rõ, khi nộp hồ sơ do không kịp nhận bằng nên đã nộp bảng điểm cao học và được cơ sở đào tạo chấp nhận, sau đó mới hoàn thiện hồ sơ xét tuyển. Vì vậy, bộ phận xác minh ĐH Huế cho rằng chưa có cơ sở để kết luận ông Phú sử dụng kết quả đào tạo cử nhân không đúng của mình để hoàn thiện hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh.

Theo đại diện ĐH Huế, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng yêu cầu cán bộ có bằng tiến sĩ, đối với các đơn vị có tính đặc thù hoặc không có cán bộ có bằng tiến sĩ thì có thể bổ nhiệm cán bộ bằng thạc sĩ; hồ sơ bổ nhiệm yêu cầu có bằng ĐH nhưng không bắt buộc phải xếp loại tốt nghiệp loại khá trở lên. Vì vậy, ông Đỗ xuân Phú không sử dụng xếp loại kết quả đào tạo cử nhân để hoàn thiện các thủ tục hồ sơ bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNT, nhiệm kỳ 2014 – 2019.

Sẽ tiếp tục kiểm tra

Vấn đề đặt ra là Giấy xác nhận số 353/NTH (02/12/1998) vì đâu mà có và tại sao lại sai sót vẫn đang là dấu chấm hỏi, rất cần ĐH Huế sớm kiểm tra, xác minh rõ.

Theo ông Tùng, thời gian tới, ĐH Huế sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị đã tham gia đào tạo để xác minh, làm rõ mọi vấn đề, đồng thời có thông tin khách quan, đầy đủ đến dư luận.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
Return to top