ClockThứ Tư, 21/12/2016 05:06

Chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên: Sau học chế vẫn còn hạn chế....

TTH - Cải thiện khả năng ngoại ngữ nhằm đáp ứng đầu ra việc làm là giải pháp Đại học (ĐH) Huế đang triển khai. Trở lực lớn nhất là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên quá thấp.

Một buổi thi của sinh viên tại Trường ĐH Ngoại ngữ

Xây nhà thiếu móng

Từ năm học 2008-2009, ĐH Huế chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, Trường ĐH Ngoại ngữ đảm nhận giảng dạy và kiểm tra đánh giá ngoại ngữ không chuyên (NNKC) cho sinh viên các trường thành viên, khoa trực thuộc. Cách đào tạo thời điểm đó đơn giản, chưa hiệu quả trong việc cải thiện năng lực ngoại ngữ cho sinh viên do nhiều nguyên nhân. Năm 2013, Trường ĐH Ngoại ngữ triển khai đề án NNKC; theo đó, điều kiện để sinh viên từ khóa 2013-2017 ra trường phải đạt chứng chỉ B1 (chuẩn 3/6 theo khung năng lực 6 bậc).

Đề án NNKC của Trường ĐH Ngoại ngữ thực tế bám sát lộ trình đề án Ngoại ngữ 2020 của Bộ GD&ĐT là hướng đi đúng nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, tăng khả năng có việc làm cho người học. Đáng lo ngại là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên quá thấp.

Trước khi triển khai, ĐH Ngoại ngữ tổ chức các đợt khảo sát năng lực ngoại ngữ của sinh viên để phân loại thành 3 lớp đào tạo là A1, A2 và B1. Kết quả, hầu hết sinh viên phải học lại A1 và A2, chỉ khoảng 10% có khả năng thi được chứng chỉ B1. “Theo lộ trình ban đầu, điều kiện để sinh viên ra trường năm 2017 phải đạt chứng chỉ B1. Do còn khó khăn nên Đại học Huế đồng ý giãn lộ trình 1 năm, năm 2017 là A2 và từ năm 2018 trở đi là B1. Trong 5 đợt thi qua, chỉ có hơn 3.000/7.500 sinh viên sẽ ra trường năm 2017 đăng ký thi A2 và B1, tức là vẫn còn lượng lớn sinh viên chưa đăng ký thi do thiếu tự tin và nhiều lý do khác”. Ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, người phụ trách NNKC nói.

Theo ông Tiến, khó khăn trên do các trường ĐH phải chịu gánh nặng hạn chế năng lực ngoại ngữ của sinh viên từ phổ thông. Lẽ ra, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông phải đạt trình độ ngoại ngữ A2. Tuy nhiên, cách đào tạo bậc phổ thông còn theo kiểu thi thế nào học thế ấy, học sinh đa số chỉ được học từ vựng và ngữ pháp, chưa học sâu các kỹ năng nghe - nói. Một số vùng nông thôn, miền núi, học sinh xem ngoại ngữ là môn phụ, thậm chí buông xuôi và mất kiến thức cơ bản. Qua các đợt khảo sát, đầu vào năng lực ngoại ngữ sinh viên yếu, nhiều trường hợp phải bắt đầu đào tạo lại từ đầu. Điểm chung là hầu hết sinh viên Huế đang gặp phải là khó khăn về khả năng nghe – nói. Trong các đợt tuyển sinh vừa qua, tỷ lệ sinh viên bị điểm liệt môn tiếng Anh rất lớn. Năm 2016, trong 8.600 bài thi môn tiếng Anh ở cụm ĐH Huế, có hơn 1 nửa bài thi tự luận bị điểm 0.

Chương trình đào tạo để sinh viên thi B1 trong khung chương trình chỉ có 7 tín chỉ, tương đương 105 tiết học. Theo khung năng lực châu Âu, để đạt cấp độ A1, yêu cầu số tiết dạy khoảng 90-100 tiết, thực tế chương trình hiện tại chỉ dạy 30 tiết; A2 yêu cầu 180-200 tiết nhưng chỉ dạy 30 tiết; B1 cần 350-400 tiết, chỉ dạy 45 tiết. Trong hơn 350 tiết của B1, có hơn 100 tiết lên lớp, còn lại là tự học, nếu sinh viên tự học thì có thể đáp ứng được yêu cầu, nhưng ý thức tự học kém dẫn đến khó chồng thêm khó. Ông Tiến thừa nhận, vì thực tế còn khó khăn nên đề thi vẫn theo kiểu tiệm cận B1, tức là chỉ đạt khoảng 70-80% của B1 và sẽ nâng dần. Ths. Hà Huy Kỳ, Trưởng khoa Tiếng Anh chuyên ngành, Trường ĐH Ngoại ngữ cho rằng, trình độ ngoại ngữ không đồng đều khiến giáo viên vất vả. Với năng lực sinh viên hạn chế, để đào tạo người học đạt chuẩn B1 thì không khác gì xây nhà thiếu móng.

Chưa có sự phối hợp

Trường ĐH Ngoại ngữ đang xây dựng phần mềm tự học online có thể đánh giá thời gian học, quản lý cách học ngoại ngữ của sinh viên. Nhà trường cũng xây dựng chương trình tiếng Anh tăng cường với 3 nhóm đối tượng đầu vào. Tuy nhiên, chương trình này không phải bắt buộc và nếu học phải đóng học phí. Thẳng thắn mà nói, đây chỉ là giải pháp bề nổi, chưa giải quyết được sâu xa vấn đề khi chưa tác động vào nhận thức của sinh viên. Hạn chế về ngoại ngữ là căn bệnh trầm kha, trong đó trách nhiệm của các cấp đào tạo vẫn chưa được phân tích và giải quyết thấu đáo. Ông Tiến thừa nhận, các trường ĐH mà trực tiếp là ĐH Ngoại ngữ Huế vẫn chưa ngồi lại với Sở GD&ĐT để phân tích nguyên nhân và cùng phối hợp. Điều này là bất cập mà hai bên nên nghiên cứu.

Khó khăn về trình độ ngoại ngữ tồn tại lớn ở những ngành, trường không tuyển sinh khối D (khối thi có môn ngoại ngữ). Các trường cần phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị đào tạo NNKC, thường xuyên nhắc nhở, giám sát sinh viên, tăng cường giáo dục nhận thức cho người học về vai trò của ngoại ngữ. Hiện, nhiều trường có mô hình CLB tiếng Anh, đây là cơ hội để giúp sinh viên học ngoại ngữ nếu các trường thực sự quyết tâm.

Yếu tố quan trọng nhất là sinh viên phải chủ động, có ý thức tự học. Ngoài sự đa dạng phong phú tài liệu, Cố đô với thế mạnh du lịch thu hút du khách nước ngoài là cơ hội để mỗi người rèn luyện khả năng nghe, nói.

Ths Hà Huy Kỳ, Trưởng khoa Tiếng Anh chuyên ngành, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ số 5 nêu rõ “Đối với các cơ sở đào tạo đại học không chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ tối thiếu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ sau khóa tốt nghiệp”. Theo đó, các trường, cơ sở đào tạo phải công khai chuẩn đầu ra đối với môn ngoại ngữ theo lộ trình trên”.

Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để giảng đường không khói thuốc lá

Với nhiều biện pháp tích cực, nhiều trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế (ĐHH) đã hạn chế tối đa cán bộ, giảng viên, sinh viên hút thuốc lá trên giảng đường.

Để giảng đường không khói thuốc lá

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top