ClockChủ Nhật, 20/11/2022 14:42

Chuyện về cô giáo mầm non

TTH.VN - Cái số thế nào, gần hai chục năm nay, nhà tôi được ở đối diện một trường mầm non. Tôi chứng kiến từ ngày trường đặt viên gạch đầu tiên trên miếng đất trống đến lúc trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Và điều thú vị là, có một số cô đã từng dạy con tôi, giờ lại tiếp tục là cô giáo của cháu ngoại tôi.

Chính sách cho giáo viên mầm non: Cần cơ chế đặc thù để tạo sức hútDọn lũ thay vì nhận quà ngày 20/10Năm học 2022 - 2023: Bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lậpGần 60 giáo viên tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh

Thì nó cũng như mọi ngôi trường trên đất nước ta, duy một điều, chưa bao giờ trong gần hai chục năm qua tôi thấy có phụ huynh nào đến trường to tiếng, trong khi trên báo chí, thi thoảng lại thấy nơi này nơi kia, phụ huynh tố cô giáo đánh học sinh, nhập thực phẩm bẩn, đóng các loại phí cao hơn quy định, phụ huynh "tẩn" cô giáo, và cô giáo đôi khi cũng... qúa lời với phụ huynh...

Các cô giáo mầm non luôn rất vất vả trong việc nuôi, dạy trẻ. Ảnh: Tư liệu

Nhưng chứng kiến rất nhiều cảnh cảm động.

Ấy là một cô giáo dạy con gái tôi, cả 2 đứa, thời cả xã hội đi xe đạp, tất nhiên cô cũng đi xe đạp. Giờ 90% dân ta đi xe máy, mà toàn xe máy xịn, 9% đi ô tô, chỉ một phần trăm đi xe đạp, cô vẫn ở trong tốp 1 phần trăm ấy, kẽo kịt hàng ngày, từ cổng trường lên đường đôi là con dốc, ngày nào cũng gò lưng dắt xe lên.

Theo quy định thì 6h30 trường bắt đầu đón học sinh. Để có thể 6h30 đón học sinh thì 6 giờ các cô đã đến trường. Để 6 giờ có thể đến trường thì thường các cô phải dậy từ 4 giờ, cũng phải lo cho con cái như mọi bà mẹ khác rồi tất tả đến trường đón trò. Nhưng từ 6 giờ, thậm chí sớm hơn, đã có phụ huynh mang con tới. 

Thường thì các cháu tự tha thẩn chơi ở sân trường với... bác bảo vệ, đợi 6h 30 cô tới đưa vào lớp, nhưng  cũng nhiều cô, chịu khó đến từ 6 giờ, sau khi biết lịch của mẹ cháu, để đón cháu. Tôi cũng từng chứng kiến có bà mẹ, cách đây mấy năm rồi, cứ 5h30 lúc tôi dậy đi bộ, là chở 2 đứa con cùng mấy bì rau, chắc chị này bán rau ở chợ, đi lấy hàng rồi tranh thủ chở con đến trường. 

Cũng đi làm như người ta, nhưng toàn phải đi sớm về muộn. Có mấy cô trẻ cũng diện váy, giày cao gót, túi đeo hông rất oách, nhưng đến nơi việc đầu tiên là... thay đồ, mặc đồng phục của trường, là quần thun áo cũng thun. Bởi một ngày lao động quần quật, lao động đúng nghĩa, bắt đầu.

Một anh bạn tôi, có con nhỏ đi học, sau mươi ngày đưa đón con đã rút ra như sau:

1. Trẻ đến lớp đang còn bệu bạo nước mắt ngắn nước mắt dài, cô phải dịu dàng ân cần dỗ dành cho trẻ nín. Mà mỗi lớp vài chục, mỗi cô phải dỗ ít nhất một chục trẻ. Cô là nhà tâm lý học trẻ em.

2. Cháu lên đủ cô còn phải chấm cơm, báo nhà bếp, cuối tháng lại phải giải đáp thắc mắc của một số phụ huynh về việc thiếu dư, không khớp với nhà bếp … Phụ huynh nào chậm nộp tiền cho bé cũng tới lượt cô phải nhắc. Nên cô phải kiêm luôn nghề kế toán tổng hợp, trong đó có món khó nhằn là kế toán công nợ. 

4. Cháu hắt hơi sổ mũi thì cô phải làm y tá.

5. Cháu trêu nhau cô phải làm quan tòa.

6. Lớp nào có cháu khó bảo, cô phải làm diễn viên vai phản diện.

7. Trưa cháu ngủ cô phải vác giường vào, cháu ngủ dậy cô vác giường ra, cô phải làm nghề khuân vác. 

8. Cháu ị tè ra, lớp bẩn hàng ngày, cô phải làm lao công.

9. Cháu chưa nhập trường, cô phải vào trang trí các chủ đề trong năm, làm mới, sửa chữa đồ dùng dạy học: Cô là thợ mộc, cô là họa sỹ, cô là nghệ sỹ tạo hình. Cô cũng phải làm các thể loại giáo án nữa...

10. Trường tổ chức văn nghệ chào mừng các thể loại sự kiện: cô làm diễn viên múa, diễn viên kịch. Cô làm biên đạo múa và huấn luyện viên cho lớp luôn. Cô cũng phải làm chuyên gia trang điểm và nhà tạo mẫu tóc cho cháu và cho cả cô.

11. Tới tiết dạy, cô phải làm ca sỹ, giáo viên văn, giáo viên toán.

12. Gặp mấy nhóc mau nước mắt như con mình thì lại phải vào vai mẹ hiền nói nó mới nghe.

13. Trường tổ chức học nghiệp vụ, học chính trị …các cô phải làm học sinh đi học, làm thí sinh đi thi.

14. Phụ huynh nhờ cô làm sinh nhật cho cháu: cô làm nhà tổ chức sự kiện kiêm chụp hình viên, hoạt náo viên.

15. Phụ huynh nào hay chữ, quen biết rộng lúc buồn ý không nói chuyện của lớp, chuyện của trường với cô mà đem phàn nàn với lãnh đạo: cô phải đi giải trình.

16. Cháu nào thấp còi hay suy dinh dưỡng hoặc béo phì, cô còn có trách nhiệm làm nhà dinh dưỡng học.

17. Tối về nhà cô cũng phải làm con gái, làm vợ, làm mẹ...

Lâu nay, quả là trong ngạch giáo dục, các cô giáo mầm non “được” ở ngạch thấp nhất, ít được quan tâm so với giáo viên dạy chữ từ cấp 1 đến cấp 3. Mà cũng đúng thật, lương thấp, thời gian lao động nhiều, vất vả, gọi là giáo viên nhưng thực chất là... Ô Sin cho lũ trẻ, việc gì cũng làm. Giờ các lớp mẫu giáo phổ cập khắp nơi, các cô được đào tạo bài bản, để vừa làm bảo mẫu, ô sin, vừa làm cô, dạy từ múa hát đến nặn tô vẽ rồi cả chữ sơ khai đến uốn nắn cách sống, tư duy của giai đoạn rất quan trọng của trẻ…

Một cô hiệu trưởng mầm non tư thục nói với tôi, em trả lương chừng ấy (đâu từ 3 đến 4 triệu), tôi ngạc nhiên ít thế á? Thế là được rồi anh, các cô còn có thu nhập thêm? Ngạc nhiên tiếp: Có thu nhập thêm? có anh ạ, là tết, 20/11, 8/3... phụ huynh thường có quà cho cô.

Nhớ hồi con tôi còn nhỏ, cái trường cũng sát nhà tập thể tôi ở, sau ngày 20/11 các cô ngồi chia... mì chính. Ngày ấy phụ huynh hay tặng các cô gói mì chính. Dồn đống lại rồi hôm sau trải tờ báo hoặc tấm nilon ra, đổ hết ra đấy rồi lấy thìa xúc chia đều. Giờ quy ra... phong bì.

Trong các loại phong bì, tôi cho những cái phong bì mỏng phụ huynh tặng cô giáo mầm non là xứng phong bì nhất. Nó cao cả thân thương nhân văn ý nghĩa hơn rất nhiều những loại phong bì lại quả, phong bì đi đêm nhan nhản hiện nay. Nhưng không phải ai cũng có, nơi nào cũng có... nó còn tùy vào... may rủi!

VĂN CÔNG HÙNG

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên

Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và chỉ đạo hội nghị.

Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên
Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa

Sáng 27/9, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA) với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức tổng kết mô hình Trường học giảm nhựa năm 2022- 2024 và trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử tích hợp chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) năm 2024.

Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa

TIN MỚI

Return to top