ClockThứ Ba, 31/01/2023 08:19

Chuyện ít biết về đồ án đạt hai giải thưởng kiến trúc

TTH - Từ ý tưởng đậm chất nhân văn, đồ án “Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho cựu chiến binh” của nữ sinh viên Võ Nhật Anh (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) liên tiếp đạt hai giải thưởng lớn trong nước là Kiến trúc xanh và giải thưởng Loa Thành.

Kiến trúc sư đến từ vùng đầm phá

Võ Nhật Anh được nhận giải thưởng Loa Thành với đồ án của mình

Xem đồ án “Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho cựu chiến binh (CCB)”, tôi và khá nhiều người bị thuyết phục bởi một ý tưởng sáng tạo nhưng ý nghĩa, lại phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường. Còn với những giám khảo chuyên môn từ giải thưởng Loa Thành do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức thì tính nhân văn, yếu tố ứng xử hài hòa với thiên nhiên chính là điểm cộng khiến đồ án này đạt giải ba mới đây.

Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho CCB là một khối công trình phức hợp các không gian với chức năng như: Lưu trú - nghỉ dưỡng ngắn hạn (thuộc nhóm công trình lưu trú), không gian tụ hội - giao lưu - giải trí (thuộc nhóm công trình công cộng), trạm y tế và các không gian dịch vụ - phục vụ sinh hoạt (thuộc nhóm công trình y tế và dịch vụ). Điểm đặc biệt là không gian khu canh tác nông nghiệp với đa dạng hệ sinh thái tự nhiên sẵn có tại vị trí nghiên cứu phường Thủy Biều, địa điểm nổi bật với cảnh quan thiên nhiên ven sông Hương - dòng chảy văn hóa, tinh thần và cảnh quan thiên nhiên nông nghiệp được mệnh danh là thủ phủ thanh trà.

Võ Nhật Anh chia sẻ, từ nhỏ, em đã được xem nhiều phóng sự về chiến tranh và gặp nhiều CCB ở thời bình, nhưng họ có sức khỏe tinh thần không được tốt. Mong ước thực hiện một ý tưởng như một món quà tri ân, cảm phục với những con người đấu tranh vì hòa bình, như những cánh chim bồ câu hòa bình luôn ấp ủ trong suy nghĩ Nhật Anh. “CCB vốn là những con người đặc biệt. Vì vậy, việc tạo nên một “nơi chốn” để kết nối CCB sau hòa bình là một điều nên có và đáng quý. Những điều đó khiến em trăn trở và quyết định chọn ý tưởng này để đi đến làm đồ án”, Nhật Anh kể.

Có ý tưởng, Nhật Anh bắt tay vào việc nghiên cứu vị trí. Những chuyến đi khác nhau khiến nữ sinh đưa ra quyết định chọn vùng đất Thủy Biều, là vùng đất có mật độ phủ xanh rất tốt, khoảng cách xa trung tâm thành phố không quá lớn và vẫn còn lưu giữ được những nét trữ tình vốn có của một chốn làng quê xưa. “Khu đất được người dân địa phương trồng những loại cây nông nghiệp, trong đó có một loài cây nổi tiếng của Thủy Biều là cây thanh trà. Ngoài vườn thanh trà là một hệ sinh thái cây nông nghiệp khác, như: Nương ngô, vườn chuối, lúa nước và các luống rau hoa màu trồng xen canh. Tất cả những yếu tố tự nhiên cảnh quan của khu đất như tựa vào thiên nhiên, tựa vào làng mạc và đất mẹ đã tạo nên một khung cảnh hoàn hảo dành cho đối tượng nghiên cứu của em, đó là CCB”, Nhật Anh chia sẻ.

Khác với những đồ án cùng hướng nghiên cứu, Nhật Anh lựa chọn vị trí nghiên cứu diện tích nhỏ gọn khoảng 4ha, với mật độ xây dựng là 25%, thuộc khu vực phường Thủy Biều. Đáng chú ý, nữ sinh viên tôn trọng hoàn toàn và giữ lại hiện trạng cảnh quan nông nghiệp của khu đất từ những vườn thanh trà tới những vườn chuối, nương ngô, vựa lúa nước và các loại rau, hoa màu bên trong khu vực; biến nó thành một khu canh tác nông nghiệp tự cung tự cấp bên trong khu vực mà từ đó các CCB có thể thỏa thú điền viên, cũng là một cách lao động trị liệu tốt. Ngoài ra, còn có thể được hỗ trợ từ nhân viên hay các tình nguyện viên tham gia hoạt động giúp kết nối con người cũng như kết nối con người với thiên nhiên.

Vừa qua, cùng với giải thưởng Loa Thành danh giá, đồ án “Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho CCB” cũng giành được giải khuyến khích giải thưởng Kiến trúc xanh sinh viên 2022, do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh và các đơn vị có liên quan tổ chức. Theo giới chuyên môn, việc một đồ án cùng lúc nhận hai giải thưởng Loa Thành và Kiến trúc xanh khá hiếm bởi yêu cầu, tính chất của hai giải thưởng có những điểm khác nhau. Trong khi giải thưởng Kiến trúc xanh đòi hỏi các đồ án sinh viên cần đáp ứng các tiêu chí xanh thì giải thưởng Loa Thành yêu cầu các ý tưởng sáng tạo, tính cộng đồng, tính thực tế và các giải pháp kiến trúc bền vững (xanh, công nghệ, thân thiện…).

TS.KTS. Nguyễn Vũ Minh, Phó Trưởng khoa Kiến trúc - Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho rằng, trong khi nhiều đồ án của sinh viên chú trọng đến giải pháp công nghệ, khai thác ý tưởng hiện đại thì đồ án “Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho CCB” lại lấy chất cảm - chất liệu hoang sơ nhưng trữ tình của một chốn làng quê cũ làm “kim chỉ nam” thiết kế - yên bình, tĩnh tại, về quê xa phố, hòa nhập tự nhiên. Vì vậy, dẫn đến lối hình thức kiến trúc không phô trương và lãng phí, sử dụng các vật liệu địa phương sẵn có và tôn lên vẻ đẹp thiên nhiên khu vực. Điều đó cùng giá trị nhân văn của đồ án là yếu tố mà giới chuyên môn đánh giá cao.

Theo Võ Nhật Anh, điều quan trọng không kém là đồ án này thể hiện sự kết nối của giới trẻ về quá khứ. Như Bác Hồ từng viết trong bài thơ lục bát Lịch sử nước ta: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”, Làng Bồ Câu - Viện an dưỡng dành cho CCB cũng là mong muốn, là nơi để những người trẻ, muốn hiểu về chiến tranh và hòa bình thông qua những nhân chứng sống là CCB có thể tìm đến, cùng giao lưu và học hỏi.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thành lập một giải thưởng do Hàn Quốc đề xuất, nhằm công nhận những nỗ lực trong việc nuôi dưỡng giáo dục về các vấn đề toàn cầu, như nhân quyền, tính bền vững và tính đa dạng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 23/10 cho biết.

UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu
Bà Lê Thị Hồng Thanh được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định

Ngày 8/10, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024 tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh là một trong 30 cán bộ hội được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024, đại diện cho gần 15 ngàn cán bộ hội trên cả nước.

Bà Lê Thị Hồng Thanh được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định
Rừng trong phố

Là xu hướng thiết kế cảnh quan có tác dụng “chữa lành”, sự xuất hiện của những khu rừng trong thành phố vừa mang đến không gian thư giãn dễ chịu, vừa gắn kết và mang con người đến gần hơn với thiên nhiên.

Rừng trong phố

TIN MỚI

Return to top