ClockThứ Ba, 08/03/2022 06:45

Chuyện những cô giáo F0 dạy học

TTH - Có khoảng hơn 1.000 giáo viên ở Thừa Thiên Huế là F0, trong đó hơn một nửa là những giáo viên nữ. Vượt lên khó khăn và nỗi sợ khi phải đối mặt với dịch bệnh, nhiều cô giáo vẫn tìm cách dạy học khi không trực tiếp lên lớp. Họ đã đến với học sinh với tinh thần hỗ trợ, động viên các em trong những lúc khó khăn nhất.

Khi lớp học có F0

Đã có các em bên cạnh

Bệnh qua khỏi cũng đã khá lâu nhưng cô Đinh Nguyễn Diệu Hiền, giáo viên Trường tiểu học Số 1 Hương Chữ (Hương Trà) vẫn đầy rất xúc động khi kể lại: “Dương tính với COVID-19 ai mà chẳng sợ. Hay tin, người thân và đồng nghiệp ai cũng hỏi thăm, động viên tôi giữ gìn sức khỏe và thực hiện các biện pháp tự chữa bệnh tại nhà. Tôi cũng không có dấu hiệu trở nặng, người có mệt mỏi, đau cơ và đau họng, nhưng vẫn còn hoạt động nhẹ nhàng được trong khuôn khổ 10m2. Vậy là, sau khi sắp xếp công việc gia đình, tôi nghĩ ngay đến công việc của lớp. Và, chỉ một ngày trôi qua, tôi quyết định xin được tiếp tục dạy học… online ”.

Cũng đặc biệt say sưa với chuyện dạy trực tuyến, cô Lê Thị Ánh Nguyệt, chủ nhiệm lớp 3 Trường tiểu học Phường Đúc (TP. Huế) cũng là trường hợp khá đặc biệt. Cả gia đình có 4 người đều bị F0. Thế nhưng, cô vẫn dạy online cho học sinh cũng như đảm nhận những tiết học khác do có đến hơn 10 giáo viên bị F0, F1. Điều cảm động nhất là phụ huynh đã thấu hiểu và đồng hành. “Quan trọng vẫn là việc học tập của học sinh. Bản thân tôi vẫn mong muốn quá trình học tập của các con được diễn ra như bình thường và cũng tránh quá tải nếu học bù sau này”, cô Nguyệt chia sẻ. Cô cũng cho hay, sắp tới sẽ sắp xếp dạy bù cho những học sinh không tham gia được buổi học chung, để các em không bị mất kiến thức.

Lớp học của cô Đinh Nguyễn Diệu Hiền có 2 học sinh F0 và một số em F1 tiếp xúc gần, nhưng may mắn là các em đều có triệu chứng nhẹ nên cùng tham gia học tập với lớp. Cô Diệu Hiền bảo, cô trò chúng tôi đã quen hình thức dạy học này rồi nên cố gắng tương tác nhiều nhất có thể. Đến giờ cô trò gặp mặt qua màn ảnh nhỏ thì như là có năng lượng bổ sung cho nhau; cô và trò đều vui hơn, khỏe hơn, trò chuyện, hỏi thăm và học bài cũng hiệu quả hơn. Cảm ơn công việc, trong hoàn cảnh cô đơn nhất, buồn nhất, lo lắng và hoang mang nhất thì tôi đã có các em bên cạnh. Nay cô và trò đều đã khỏe, không còn F nữa. Tôi nghĩ, năng lượng có được trong những ngày F0 của cô trò tôi là từ những buổi gặp gỡ, giao lưu học tập qua màn ảnh nhỏ, là liều thuốc mạnh nhất và hiệu quả nhất. Cô giáo Diệu Hiền nói.

Trên hết là tự nguyện

Nhận xét về những giáo viên dù là F0 vẫn cố gắng lên lớp, cô giáo Lê Na, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phường Đúc khẳng định, việc dạy học khi là F0 đều trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, có một thực tế mà cô Hiệu trưởng Lê Na phải thừa nhận, có nhiều giáo viên là F0 còn đủ sức khỏe vẫn tham gia dạy học trực tuyến, bởi do số ca F0 tăng cao. Ngay như Trường tiểu học Phường Đúc cũng không đủ người đứng lớp. “Ở trường chúng tôi, 100% giáo viên là F0 khi cảm thấy vẫn kiểm soát được sức khỏe thì đều tự đề nghị phân công dạy trực tuyến. Trên thực tế, nếu không có sự tự giác, tình nguyện, trách nhiệm và tận tụy thì nhà trường cũng khó có thể thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ dạy học trong điều kiện số ca F0 tăng lên hàng ngày”. Giáo viên mắc COVID-19 không đến trường làm việc, nhưng trên thực tế họ vẫn đảm nhận các tiết dạy online khi sức khỏe đảm bảo.

Những ngày gần đây, trang zalo của Trường tiểu học Trần Quốc Toản cập nhật thông báo hàng ngày về tình hình lớp học giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, có không ít thông tin về việc thầy cô/học sinh nhiễm COVID-19. Nếu những ngày đầu, nội dung này gây nhiều lo lắng thì giờ đây, thông tin có F0 được cả lớp đón nhận bằng sự bình tĩnh cùng lời chúc thầy/trò sớm ổn định, chú ý chăm sóc bản thân, cách ly đúng hướng dẫn. Thầy cô, học sinh mắc F0, theo quy định sẽ được nghỉ và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, vì yêu công việc, yêu lớp học và vẫn đảm bảo sức khỏe nên nhiều thầy cô, học sinh là F0 vẫn cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Mặc dù nhà trường có thể phân công giáo viên khác dạy thay, nhưng thấy đủ sức khỏe nên nhiều giáo viên nữ đã nêu nguyện vọng được tiếp tục nhiệm vụ. Hàng ngày, ngoài việc lên lớp mỗi sáng qua hình thức trực tuyến, họ còn đảm nhiệm việc chấm, chữa bài tập của học sinh vào buổi tối.

Thầy Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ chân thành, trường có đa số giáo viên nữ, họ rất vất vả khi một ngày phải đảm nhận nhiều vai. Đặc thù của bậc tiểu học là mỗi giáo viên chủ nhiệm sẽ dạy 1 lớp. Bình thường sáng và chiều họ sẽ dạy trực tiếp với lớp của mình phụ trách. Chưa kể, những em không có điều kiện học online, giáo viên phải photocopy bài vở và kèm cặp khi các em đi học trở lại. Nhiều cô giáo gia đình, chồng con cũng bị F0 nên khó khăn chồng chất. Nhà trường rất khuyến khích và ghi nhận sự nỗ lực của cả thầy và trò trong giai đoạn này. Tinh thần lao động, học tập không ngừng nghỉ đó cũng là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn đối với các thầy, trò khác để cùng nhau cố gắng.

Khi viết bài này, tôi nhớ lời một cô giáo bị F0 ở Trường THPT Hai Bà Trưng: "Tôi vừa là chủ nhiệm lớp cuối cấp, vừa dạy môn bắt buộc thi tốt nghiệp nên nếu nghỉ, học sinh sẽ lo, phụ huynh cũng lo". Tôi cũng nhớ đến tâm sự của cô giáo Đinh Thị Thu Hiền, rằng “Thương các em, thương trò ngoan không được đến trường học tập, giao lưu cùng bạn bè, thầy cô giáo; thương các em sẽ thiếu hụt một số kiến thức trong bài học khi phải nghỉ ở nhà... Chính tình thương, trách nhiệm của người thầy đã thôi thúc tôi luôn tìm biện pháp, hình thức để gặp gỡ các em”. Tôi nghĩ, đó là tình thương và trách nhiệm đáng được trân quý và lan tỏa trong khi cùng với cả nước, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đang phải oằn mình chống dịch.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh
Ngày hội bóng đá - vẽ tranh học đường

Ngày 19/10, Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền) tổ chức Ngày hội bóng đá - vẽ tranh dành cho học sinh toàn trường. Ngày hội thu hút hàng trăm em học sinh tham gia tranh tài và cổ vũ.

Ngày hội bóng đá - vẽ tranh học đường

TIN MỚI

Return to top