Cô Phan Thị Hồng trò chuyện với học sinh tại thư viện xanh
Đến nhận nhiệm vụ tại Trường tiểu học Vinh Thái cách đây gần 8 năm, với thiên chức của người phụ nữ, người mẹ, cảm xúc đầu tiên trong lòng cô hiệu trưởng Phan Thị Hồng là quá thương học trò. Có 3 điểm trường, thì 2 cơ sở lẻ nhếch nhác mọi bề, thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Làm sao xóa các cơ sở lẻ, xây dựng, nâng cấp cơ sở chính khang trang, đưa học trò về một mối, trong khi Vinh Thái là xã thuộc diện khó khăn của huyện Phú Vang... là nỗi trăn trở của cô.
Với trách nhiệm người đứng đầu nhà trường, cô Hồng gấp rút xin ý kiến của lãnh đạo địa phương, xin kinh phí từ nguồn của huyện, tỉnh. 8 phòng học mới tại cơ sở chính được xây dựng, nhiều hạng mục được sửa sang nâng cấp, trang thiết bị dạy học hoàn thiện sau khi trường được cấp 3 tỷ đồng ngân sách. Cơ sở vật chất đã khang trang, chắc chắn, nhưng nỗi lo làm thế nào để phụ huynh “thông thoáng” nhận thức, sẵn sàng đưa con về cơ sở chính học tập, cô Hồng tiếp tục tham mưu với địa phương. Đáp lại tâm nguyện của hiệu trưởng và tập thể giáo viên, cha mẹ học sinh ai nấy đều đồng lòng, dù đối với một bộ phận lớn phụ huynh, quãng đường đưa đón con từ nhà đến trường xa hơn rất nhiều.
Việc dạy-học đã tập trung, ổn định, nhưng cán bộ, giáo viên trường lại không khỏi suy nghĩ, day dứt khi hàng ngày nhìn cảnh rất nhiều học sinh nhà ở xa, cha mẹ không có điều kiện đưa đi đón về 4 lượt, nên đành “thả” con ở lại buổi trưa, ăn uống tạm bợ gói mì ăn liền hoặc dĩa cơm “bụi” ven đường, chờ đến buổi học chiều. Với trách nhiệm của mình, nỗi day dứt đó lớn gấp nhiều lần. “Nếu hôm nào các cháu cũng băng qua đường và ăn uống kiểu như vậy, thì không những sẽ thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe, mà còn rất nguy hiểm về an toàn giao thông…” Nữ hiệu trưởng nhớ lại lý do của việc “nung nấu” tổ chức bán trú tập trung, xây dựng cho được bếp ăn của trường.
Lại vấp phải “câu hỏi” hóc búa: kinh phí? Chỉ có thể vận động từ nguồn xã hội hóa, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cha mẹ học sinh. “Tôi hiểu rõ, sẽ khó, rất khó vận động trong điều kiện địa phương còn nghèo. Nhưng khó cũng phải làm. Tôi có niềm tin vì những điều tốt đẹp cho thế hệ tương lai trên quê hương. Trách nhiệm của mình phải hết lòng đi tìm, đi kiếm và kết nối những tấm lòng đó lại”.
Sau quá trình vận động, thuyết phục, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ 70 triệu đồng, phụ huynh học sinh hỗ trợ hơn 20 triệu đồng để xây dựng bếp ăn. Nhờ thế, trường tổ chức bán trú tập trung, đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ trưa cho học trò.
Vui mừng vì sự phát triển của nhà trường, “thấm” sự vận động của nữ hiệu trưởng, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng thư viện xanh ngoài trời. Giáo viên của trường đóng góp mỗi năm 1 ngày lương và rất nhiều công sức để tôn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. “Những nụ cười yên tâm và hạnh phúc của phụ huynh khi thấy con mình được học hành vui chơi, trưởng thành trong môi trường thân thiện, chính là hạnh phúc của chúng tôi”. Cô Hồng chia sẻ.
“Cô Phan Thị Hồng đã có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển, lớn mạnh về mọi mặt của Trường tiểu học Vinh Thái, góp sức vào sự phát triển chung của ngành giáo dục huyện Phú Vang. Năm qua, trường được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua. Nhiều trường như Trường tiểu học Phú Đa 3, Vinh Xuân, Phú Hải… đến tham quan, học tập mô hình bán trú ở đây và hiện đang xây dựng. Chúng tôi đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, dám làm, để phát huy tốt vai trò người đứng đầu đơn vị của cô Hồng”. Ông Lê Đình Phong, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang chia sẻ.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh