ClockThứ Bảy, 15/10/2016 05:56

Cơ hội giúp sinh viên Huế hội nhập

TTH - Trong bối cảnh giáo dục hội nhập ASEAN nói riêng và quốc tế nói chung, trao đổi sinh viên giữa các nước là cách làm mà nhiều trường đang hướng tới. Tại Huế, hoạt động này bước đầu phát huy hiệu quả.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế tham gia giờ học tại ĐH Ibaraki Chrisstian

Hiệu quả

Sau đợt thực tập ở Thái Lan trở về, Nguyễn Thị Thanh Thiện, sinh viên năm 4, Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ - ĐH Huế trở nên mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp. Môi trường thực tập ở nước ngoài tạo ra thách thức buộc em phải sử dụng tiếng Anh cũng như chủ động mọi phương án xử lý các tình huống, nhờ đó đẩy lùi sự rụt rè vốn có. Thiện tâm sự, mỗi ngày ở nước bạn là một ngày tự nỗ lực học tập thực sự.

Thực tập ở nước ngoài là một trong ba hoạt động nằm trong chương trình trao đổi sinh viên tại ĐH Huế. Ngoài hoạt động thực tập ở nước ngoài được Trường ĐH Ngoại ngữ xây dựng, hai hoạt động học tập ngắn hạn và giao lưu được triển khai khá phổ biến ở nhiều trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế. Từ các chương trình học bổng, hỗ trợ của nước ngoài, hoặc điều kiện của một số người, sinh viên ĐH Huế vươn ra tiếp cận môi trường giáo dục học tập ở nước bạn (chủ yếu là các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc); các trường tìm những môn học tương đồng trong chương trình đào tạo để trao đổi tín chỉ, chuyển đổi điểm phù hợp đúng theo quy định cho sinh viên. Nhóm sinh viên học tập ngắn hạn thường là những người được tuyển chọn do có thành tích học tập tốt, cũng từ đây tạo ra một “cuộc đua” giành học bổng, nỗ lực vươn lên trong học tập.

TS Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lắng nghe những phản hồi, đánh giá từ phía đối tác. Đáng mừng là họ khen sinh viên Huế giỏi. Trao đổi sinh viên không chỉ giúp các em học tập kiến thức chuyên môn mà những trải nghiệm văn hóa, xã hội ở nước ngoài đã giúp họ mở rộng được kiến thức. Đây là tín hiệu rất tốt”.

Giao lưu là hoạt động thường xuyên được các trường tổ chức nhất. Tuy diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng sự gần gũi giữa sinh viên hai nước khi họ đến Việt Nam và ngược lại tạo ra cơ hội học tập tốt, không chỉ giúp sinh viên rèn luyện và phát huy khả năng nói ngoại ngữ, trao đổi phương pháp học tập, sinh hoạt các kỹ năng mà còn là môi trường để giao lưu, trao đổi văn hóa hai nước. “Gần đây, sinh viên nước ngoài đến trường khá nhiều. Phải thừa nhận, đây cũng là cơ hội rất tốt để sinh viên học tập”, PGS.TS Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế nói.

Ông Lại Quốc Lộc, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác Quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, người có nhiều năm tổ chức các hoạt động gắn kết sinh viên Huế với các đơn vị nước bạn chia sẻ, dễ dàng đánh giá được hiệu quả từ các chương trình trao đổi sinh viên. Sinh viên trở nên năng động hơn, ngoại ngữ tốt hơn và tính chủ động trong xử lý nghề nghiệp tương lai cũng được cải thiện. “Minh chứng cụ thể nhất là chương trình này bước đầu giải quyết được việc làm cho những sinh viên học tốt. Thực tế, có những sinh viên của nhà trường được làm việc ở nước ngoài sau khi tận dụng tốt các chương trình học bổng quốc tế”, ông Lộc cho hay.

Theo tìm hiểu của ngày hội việc làm của các trường ĐH, nhà tuyển dụng khá “ưu ái” với những sinh viên từng học tập tại nước ngoài. Lý do là thành tích học tập họ nổi bật, tiếp cận nghề ở môi trường làm việc tiên tiến và ngoại ngữ đạt chuẩn.

Còn khó khăn

Hiện nay, hầu hết các trường đều quan tâm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường học tập quốc tế. Một vài hoạt động gần đây, như: từ ngày 23/8 – 1/9, diễn ra chương trình trao đổi sinh viên giữa Khoa Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Dược với Khoa Y tế Công cộng, Trường ĐH Khon Kaen và ĐH Thammasat, Thái Lan. Chương trình trao đổi sinh viên giữa Đoàn trường ĐH Công nghệ Rajamangala Tawan-ok, Thái Lan và Trường ĐH Nông lâm Huế (tháng 7-8/2016),…

Những năm qua, ĐH Huế và các trường thành viên nỗ lực trong công tác liên kết, giao lưu quan hệ với các đối tác nước ngoài. Có khá nhiều dự án, học bổng ĐH Huế thỏa thuận, ký kết với các đơn vị quốc tế nhằm giúp sinh viên trong nước ra nước ngoài bằng nguồn kinh phí rất thấp hoặc được hỗ trợ hoàn toàn. Song, so với lượng sinh viên đang học tập tại các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế, nhu cầu được học tập, thực tập ở các trường hiện đại cao, trong khi các trường, khoa chỉ giải quyết được phần nào.

Khó khăn của ĐH Huế và các đơn vị thành viên là thu nhập bình quân của người dân miền Trung đang còn ở mức trung bình. So với các tỉnh, thành phát triển trong nước, khả năng sinh viên bỏ tiền cá nhân để được học tập ở môi trường nước ngoài là điều không đơn giản, trong khi đó, sự hỗ trợ của phía đối tác chỉ dừng ở mức giới hạn.

Một thực tế nữa, quá trình trao đổi sinh viên gặp khó ở khâu tiếp cận với các đối tác là những nước tiên tiến như: Mỹ, Pháp, Đức,… Ngay cả Trung Quốc, Nhật Bản, nếu không có các chương trình hỗ trợ từ phía họ, chi phí học sinh phải bỏ ra khá cao, nhiều nước khó đạt thỏa thuận về quỹ đối ứng với ĐH Huế nói riêng, các trường ĐH trên toàn quốc nói chung, do sinh viên các nước này mong muốn tìm kiếm những trường đối tác đẳng cấp. Khi ít có sinh viên đến thì sinh viên trong nước cũng rất khó có cơ hội thuận lợi về sự hỗ trợ kinh phí chiều đi. 

Ông Lộc thừa nhận, sinh viên chưa được đến các nước phát triển mạnh để học tập là một “thiệt thòi” khách quan. Tuy nhiên, các trường cũng đang nỗ lực hết sức để xây dựng mối quan hệ, tìm những hướng đi hợp lý. Đơn cử như Philippines, đất nước hoàn toàn có thể tạo ra môi trường rèn luyện tiếng Anh cho sinh viên nước ta học tập.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường
Return to top