GS. Damien Roche luôn hài hước khi nói chuyện với đồng nghiệp và sinh viên
Yêu Huế từ những điều bình dị
Trao đổi online qua màn hình máy tính, GS. Damien Roche vẫn bộc lộ nét hài hước khi nói chuyện với các giảng viên, sinh viên Huế. Chút thoáng buồn chỉ hiện ra khi mỗi lần mọi người hỏi ông về nỗi nhớ Huế khi dịch COVID-19 hoành hành ở châu Âu.
Trò chuyện với Damien Roche, ông bắt đầu dẫn tôi quay về với miền ký ức riêng, từ những ngày ông đặt chân đến Huế. Năm 2014, trong chuyến công tác của đoàn Chính phủ Ireland sang Việt Nam phát triển các dự án về giáo dục, người thầy của Đại học (ĐH) Công nghệ Dublin - Damien Roche đã có duyên hợp tác với Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế phát triển chương trình đào tạo liên kết đồng cấp bằng với ĐH Công nghệ Dublin (chương trình Tallaght). Lần đầu đến Huế ấy vốn dĩ không hề biết sẽ trở lại, nhưng duyên nợ lại gắn kết ông với Huế khi vị giáo sư ấy đã gần qua tuổi 60.
GS. Damien Roche thường rất vui vẻ
Ở tận tây bắc châu Âu, nhưng có năm, tới mấy bận GS. Damien Roche đến Huế. Mỗi chuyến công tác kéo dài khoảng 10 ngày, vị GS người Ireland lại dành thời gian tìm hiểu văn hóa, ẩm thực Cố đô. Tranh thủ thời gian sau công việc, ông đến với những hoạt động Festival Huế, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, đi nghe biểu diễn âm nhạc và thưởng thức ẩm thực Huế. Ban đầu là để trải nghiệm và hiểu, nhằm phục vụ cho công việc. Rồi chẳng biết tự bao giờ, ông yêu luôn những điều bình dị của mảnh đất hiền hòa bên dòng sông Hương. “Ireland và Việt Nam có nhiều khác biệt, nhưng sống ở Huế, tôi thấy rất hợp. Những lần sang công tác, tôi nhờ đồng nghiệp và sinh viên dẫn đến nhiều quán ăn ở Huế. Bún bò Huế, cơm hến hay các đặc sản của Cố đô đều rất đặc biệt. Có lần, tôi ăn đến mấy tô. Còn mỗi khi về nước, hành lý của tôi lúc nào cũng có quà Huế”, GS. Damien Roche chia sẻ.
Cái duyên và tình yêu với mảnh đất miền Trung nắng gió giúp Damien Roche thăng hoa và cống hiến hết mình. Ông kể, Huế không chỉ có thắng cảnh, văn hóa đẹp mà con người rất dễ gần, chịu thương và chịu khó. Môi trường gần gũi tạo cho ông cảm giác yên tâm để làm việc. Khi phụ trách phát triển và quản lý Chương trình Liên kết đồng cấp bằng giữa Trường ĐH Kinh tế và Viện Công nghệ Tallaght, GS. Damien Roche trực tiếp xây dựng và quản lý dự án hỗ trợ các hoạt động đào tạo của chương trình do Quỹ Viện trợ - Đại sứ quán Ireland tài trợ. Trong suốt nhiều năm hợp tác (từ năm 2014 đến nay), đã có 8 giảng viên ĐH Huế được nhận học bổng đi học thạc sĩ và gần 20 cán bộ, giảng viên khác được tham gia đào tạo ngắn hạn, trao đổi học thuật ở Cộng hòa Ireland. Mỗi thành công ấy, Damien Roche là người đứng sau hỗ trợ.
Từ năm 2017, GS. Damien Roche còn phối hợp với Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế xây dựng đề án, nộp hồ sơ xin nguồn tài trợ từ chương trình viện trợ quốc tế Irish Aid của Chính phủ Ireland trợ giúp các hoạt động đào tạo khởi nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế. GS. Damien Roche cũng tham dự và chủ trì các phiên hội thảo khoa học quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế.
Mang trọng trách kết nối và điều phối dự án, nhưng Damien Roche cũng không quên nghề dạy. Mỗi lần lên lớp hay gặp gỡ, nói chuyện sinh viên, sự hài hước luôn khiến vị giáo sư sinh năm 1955 thu hút các học trò. Bích Trâm, sinh viên ĐH Huế từng nghe ông giảng dạy kể, GS. Damien Roche luôn có trợ giảng để biết sinh viên cần gì. Dù không nói tiếng Việt được nhiều, nhưng để lớp học sôi động, thi thoảng, một vài tiếng xin chào, cảm ơn lại phát ra từ chính miệng vị giáo sư Ireland. Sự hài hước, nhiệt tình nơi ông khiến sinh viên có cảm giác gần gũi.
Ở tuổi 65, Damien Roche vẫn làm việc cật lực và nhanh nhẹn. Đến nỗi, PGS.TS. Nguyễn Đăng Hào, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế mỗi khi nhắc về GS. Damien Roche vẫn luôn xúc động: “Ông ấy toàn tâm, toàn ý cống hiến cho công việc và mối hợp tác. Tôi có thể liên lạc với GS. Damien Roche bất kỳ lúc nào. Gần đây, tuy dịch COVID -19 khiến kế hoạch sang Việt Nam của GS. Damien Roche gặp khó khăn nhưng ông vẫn miệt mài trao đổi, kết nối làm việc online”.
Một giấc mơ với Huế
Năm 2019, trong chuyến sang làm việc ở Huế, GS. Damien Roche tiết lộ về mong muốn hợp tác để tiếp tục cống hiến trong 4 – 5 năm tiếp theo. Đằng sau câu chuyện về những kế hoạch ngắn hạn, ông không ngần ngại thổ lộ: “Tôi yêu Huế và có một giấc mơ với Huế”.
Sinh viên tặng hoa cho GS. Damien Roche khi ông được ĐH Huế phong tặng chức danh Giáo sư danh dự
Yêu thương, với GS. Damien Roche là phải gắn kết giữa suy nghĩ và hành động. Một thời gian dài gắn bó với giảng viên và sinh viên Huế, ông nhận ra thách thức lớn là trình độ tiếng Anh của một số người còn yếu. Tuy đó không phải là rào cản khi GS. Damien Roche đứng lớp do đã có trợ giảng hỗ trợ, tuy nhiên ông khá âu lo về một thế hệ đang bước vào thời đại hội nhập.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Hào kể, GS. Damien Roche vẫn thường đem những trăn trở về ngoại ngữ của sinh viên Huế trao đổi với ông. Ireland là xứ sở nói tiếng Anh và Damien Roche đã dốc sức tìm cơ hội cho giảng viên, sinh viên Huế trao đổi học thuật, tiếng nước ngoài với giảng viên nước bạn. Năm 2020, ở tận trời Âu, khi mọi thứ bị “đóng băng” bởi đại dịch COVID-19, vẫn có những lớp giảng viên Ireland dạy tiếng Anh và chia sẻ kinh nghiệp học tập qua trực tuyến cho sinh viên Huế.
Damien Roche có nhiều lợi thế để ở lại Huế. Những người đồng nghiệp của ông tiết lộ, chưa có “gánh nặng” gia đình là điều giúp cho vị giáo sư người Ireland có thể ở bất kỳ nơi đâu. Thế nhưng theo GS. Damien Roche, cuộc sống yên bình, dễ sống và hiếu khách của người Huế lại chính là chiếc khóa vô hình khiến tâm trí ông muốn có những trải nghiệm nhiều hơn ở Huế.
GS. Damien Roche thường nói, những gì ông đã làm dường như vẫn chưa đủ, bởi mong ước của ông lớn hơn rất nhiều. Ông vẫn giữ kín những bí mật mỗi lần tôi gặng hỏi những điều sắp làm ở Huế, nhưng nguyện vọng sẽ gắn bó lâu dài với miền Hương Ngự không cần nhắc ông cũng tự trải lòng: “Có thể khi về già, tôi sẽ ở lại Huế”. Với những ai từng biết ông, họ cho rằng đó là lúc ông thực hiện giấc mơ đã hằng ấp ủ.
Có nhiều cống hiến thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ĐH công nghệ Dublin, Ireland và ĐH Kinh tế, ĐH Huế, năm 2019, ông Damien Roche được ĐH Huế phong tặng chức danh Giáo sư Danh dự.
Bài, ảnh: Hữu Phúc