ClockThứ Năm, 26/03/2020 14:25

Covid-19: Hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng để ngành giáo dục duy trì dạy - học

Sáng nay 26/3, Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin - truyền thông đã tổ chức lễ cam kết đồng hành trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với phương châm: “Không đến trường nhưng không dừng việc học”.

Sẽ miễn phí hạ tầng dạy học trực tuyến, qua truyền hình trong đợt dịch Covid-19Giáo viên lẫn học sinh cần thay đổi tâm thế dạy và họcThực hiện nghiêm việc rà soát, cách ly phòng chống dịch coronaCó phương án nếu học sinh nghỉ học dài ngày

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tại buổi lễ, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành TT&TT chính thức cam kết hỗ trợ ngành GD&ĐT trong giai đoạn chống dịch Covid-19 như sau: Phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD-ĐT thẩm định lên truyền hình; tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong GD&ĐT;

Các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến hàng chục triệu học sinh, sinh viên (HSSV) và thầy cô giáo cùng mọi người dân liên quan trên cả nước về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT;

Các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho HSSV và thầy cô liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo;

Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, gói hỗ trợ mùa Covid -19 này ước tính là hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng. Các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G.

“Đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo sẽ là những nền tảng khác nữa, các ứng dụng khác nữa, của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin khác nữa, để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà. Sự hợp tác giữa ngành TT&TT và ngành GD&DT sẽ là liên tục và mãi mãi" - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp lớn trong Ngành CNTT ký cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong đợt dịch Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cam kết sẽ hợp tác với nhau để ra các tiêu chuẩn về CNTT và ATTT để đảm bảo tính mở của các nền tảng, đảm bảo tính kết nối liên thông với các lĩnh vực khác, đảm bảo các ứng dụng sẽ được phát triển bởi mọi doanh nghiệp khác. Đảm bảo không có tình trạng độc quyền hoặc vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân.

Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong chiến lược Chuyển đối số Quốc gia thì ngành Giáo dục và Đào tạo được ưu tiên số 1.

“Một quốc gia chuyển đổi số thành công thì đầu tiên phải thành công trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Vì chính ngành này chuẩn bị lực lượng công dân và nhân lực có kỹ năng số” – Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Hùng, đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động KT-XH bị ngưng trệ theo cách cũ. Tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cho cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục.

 “Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ tiếp tục đặt hàng nhiều hơn nữa, đưa ra nhiều yêu cầu thách thức hơn nữa cho ngành TT&TT. Vì chúng tôi luôn nhận thức rằng, ngành ICT nước nhà chỉ có thể mạnh lên, sánh vai cường quốc năm châu nếu ngành giáo dục và đào tạo, cũng như mọi ngành khác, đặt ra cho ngành ICT các yêu cầu cao, càng cao càng tốt, càng thách thức càng tốt” – Bộ trưởng Hùng bày tỏ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục đã chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề trong dịch Covid-19 này.

Từ đầu mùa dịch đến nay, mới chỉ có 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến;

Kho bài giảng e-learning của Bộ GD&ĐT với 5000 bài giảng giáo dục phổ thông đã và đang được các giáo viên, học sinh trên cả nước khai thác, sử dụng miễn phí.

Nhiều trường phổ thông đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy và quản lý dạy và học trực tuyến...

Tuy nhiên, dù cố gắng đến mấy, nhưng ngành Giáo dục vẫn gặp khó khăn bởi hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng… Bởi vậy, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông là vô cùng quan trọng, thiết thực, đặc biệt ở thời điểm này.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành giáo dục phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc

Trước những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang phải đối mặt, đặc biệt là thầy cô giáo và học sinh tại những vùng bị ảnh hưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi).

Ngành giáo dục phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc
Xứng đáng “lá cờ đầu” ngành giáo dục

Trường THCS Phú Diên (Phú Vang) nhiều năm liền là “lá cờ đầu” của khối THCS trên toàn huyện. Năm học 2023-2024, Trường THCS Phú Diên đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.

Xứng đáng “lá cờ đầu” ngành giáo dục
Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

TIN MỚI

Return to top