Hướng nghiệp nghề trong trường học
Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận 20 phương thức xét tuyển khác nhau khiến nhiều thí sinh không khỏi băn khoăn, lo lắng. Theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thí sinh cần lưu ý sắp xếp ưu tiên các nguyện vọng vào ngành mình yêu thích trước, đồng thời tận dụng mọi phương thức xét tuyển dựa theo sở trường của mình để có thêm lợi thế khi đăng ký xét tuyển.
Thời điểm này, không ít phụ huynh cùng con tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo trước khi công bố điểm thi THPT. Chọn nghề, chọn trường không còn là việc riêng của con trẻ, phụ huynh cũng áp lực không kém. Thậm chí, có người còn đưa con đi tham quan trường đại học – nơi dự định đăng ký xét tuyển để tìm hiểu chương trình đào tạo và môi trường học tập... Có người còn “cân đong, đo đếm” từng ngành, trường học trước khi chính thức đăng ký xét tuyển nguyện vọng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Anh Nguyễn Xê, có con vừa thi tốt nghiệp THPT khẳng định, gia đình tôn trọng quyền tự quyết của con, nhưng chúng tôi vẫn phải tư vấn, định hướng, không thể để con “tự bơi” trước nhiều thông tin tuyển sinh ở các trường.
Tư vấn cho học sinh chọn trường ở Trường THPT Hai Bà Trưng
Nhiều phụ huynh cho rằng, ngày nay các em có chính kiến riêng và quyết đoán trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Vì thế, việc cùng con chọn nghề chưa bao giờ dễ dàng. Nếu bố mẹ không tinh tế dễ xảy ra xung đột, không tìm được tiếng nói chung. “Chúng tôi chọn 5 ngành học cho con. Cả nhà đã thống nhất để con chủ động lựa chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong danh sách đã “chốt” trước đó, nếu cần bố mẹ sẽ tư vấn thêm. Với cách làm này, vừa tôn trọng quyền tự quyết của con, vừa có được tư vấn, định hướng nghề nghiệp của bố mẹ, chị Kim Thu bộc bạch.
Nhiều bạn trẻ có mong muốn theo một nghề nghiệp cụ thể, song không nhận được sự ủng hộ của cha mẹ. Thậm chí, họ phải chịu áp lực nặng nề, là thi vào trường nào, học nghề gì theo sự áp đặt của các phụ huynh. Không ít em dẫu đang học trường đại học danh giá nhưng lựa chọn này để viết tiếp ước mơ của bố mẹ. Em Lê Ngọc Ninh, chia sẻ: “Em muốn chọn ngành liên quan đến quản trị nhà hàng - khách sạn nhưng bố mẹ muốn mình học kinh tế, công nghệ thông tin hoặc ngân hàng. Em cảm thấy bất lực và chán nản trước quyết định đó của cha mẹ, nhưng lại không thể làm gì khác ngoài việc nghe theo".
Học gia chánh ở Trường THPT Hai Bà Trưng
Theo cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, nhiều em đã đến phòng tư vấn của nhà trường để bày tỏ nguyện vọng, lựa chọn và mong muốn phụ huynh tôn trọng sự lựa chọn của các em. Chỉ các em mới hiểu vì sao mình chọn ngành này, trường kia. Vì sao lĩnh vực đó lại hứng thú, hấp dẫn với mình” - cô Phượng chia sẻ và cho rằng, khi trẻ nói lên mong muốn của bản thân, cộng với sự lắng nghe, phân tích của cha mẹ thì việc lựa chọn sẽ hiệu quả hơn.
Theo khuyến cáo của nhiều giáo viên chủ nhiệm tại cuộc họp phụ huynh cuối năm, phụ huynh đồng hành nhưng không có nghĩa là áp đặt, buộc các em phải lựa chọn theo ý mình. Cha mẹ cần nắm được một số “bí quyết” để có thể cùng trẻ chọn nghề. Hãy bắt đầu bằng sự kết nối. Khi các em được tôn trọng và lắng nghe sẽ cởi mở hơn, từ đó thoải mái chia sẻ về những khát khao, mong muốn của mình. Thứ nữa, cha mẹ nên tin tưởng, khích lệ và đồng hành cùng các em trong hành trình lựa chọn nghề nghiệp để có một tương lai vững chắc. Tuy nhiên, các em phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định cho mình. Quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất. Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: Thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học.
Cha mẹ thường định hướng nghề nghiệp cho con cái, theo kế hoạch và mong muốn của bản thân. Họ có kinh nghiệm, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình và gia đình có nền tảng nghề nghiệp ổn định. Do vậy, nhiều người quyết định là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, phụ huynh cần thấu hiểu quá trình phát triển tâm sinh lí, cần phải biết con mình muốn gì, và năng lực tới đâu, từ đó hướng dẫn và tư vấn nghề nghiệp phù hợp cho con.
Bài, ảnh: Huế Thu